Quốc hội trong tuần: Khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xác định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Tránh chồng chéo, mâu thuẫn pháp luật về phòng thủ dân sự; Bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... là các hoạt động Quốc hội đáng chú ý trong tuần qua.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tuần qua, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật. Đây là phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 05 dự án Luật đã trình với Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội lần đầu  tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình rút gọn dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua. Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Nghị quyết về ban hành Nội quy của kỳ họp (sửa đổi).

XÁC ĐỊNH RÕ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện trong xử phạt vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, và có nên quy định thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp hay không? Đây là vấn đề được các thành viên UBTV QH quan tâm khi thảo luận về nội dung này.

Thực tiễn cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc và tính tôn nghiêm, quyền uy tư pháp.  Đại biểu bày tỏ băn khoăn về cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp Tòa án ra quyết định xử phạt.

Liên quan đến việc có nên giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hay không, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết, nhưng nên loại bỏ một số trường hợp hoạt động tố tụng có liên quan trực tiếp đến các cấp quản lý hành chính.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Liên quan đến thẩm quyền của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp tỉnh, tôi thấy đồng chí chánh án nêu như thế tương đối là thỏa đáng, cái gì mình tiếp thu được thì cũng nên đưa vào, vì thẩm quyền đây của người ta cũng là trực tiếp tại địa phương, vừa bảo đảm được tính khả thi. Còn có loại trừ hay không, loại trừ cái gì, thì nên tính toán kỹ, bởi vì anh ấy có thẩm quyền của anh ấy, nhưng anh ấy làm sai thì người khác cũng xử anh ấy cơ mà." 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành trong kỳ họp.

THÔNG QUA PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VPHC ĐỐI VỚI HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG 

Với 100% đại biểu tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung nội dung “thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”; quy định Nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí; quy định xử phạt đối với hành vi Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự; bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/9/2022. 

XÁC ĐỊNH RÕ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BẢO VỆ  KHI SỬA ĐỔI LUẬT

Chiều 15/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng sau 12 năm thực thi với những bất cập hiện hữu. Song cũng chỉ rõ, đây là dự án luật khó, phạm vi rộng, vì vậy ngay từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nếu không xác định rõ sẽ khó đảm bảo thực thi.

Theo lý giải của Ban soạn thảo, việc sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân giúp các cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh các tranh cãi, không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, những lý giải đưa ra là chưa thực sự thuyết phục. Việc loại bỏ yếu tố “tổ chức” ra là một vấn đề rất lớn, cần phải xem xét lại.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Trước đây ta hay nói tiêu dùng cho sản xuất, tiêu dùng cho cá nhân, chủ thể tham gia quá trình này có thể là cá nhân, rồi pháp nhân, pháp nhân thì cũng nhiều loại hình, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trong luật bảo vệ người tiêu dùng thì điều chỉnh cả cá nhân và cả tổ chức, lần này luật bảo vệ quyền lợi ng tiêu dùng loại đi chỉ nói về cái này thôi, đây là một sự thay đổi rất lớn, một chính sách rất lớn, trong hồ sơ các đồng chí có thuyết trình nhưng tôi thấy chưa phù hợp. Vì sao chúng ta thay đổi chính sách lớn như thế…mà trong 5 chính sách các đồng chí đặt ra để sửa đổi bổ sung thì không thấy nói đến cái này, một sự thay đổi rất lớn, tôi thấy điểm đó rất là quan trọng."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng thời nhấn mạnh, trong điều kiện pháp luật cho phép, thì cần phải bảo vệ người tiêu dùng ở mức độ cao nhất.

LÀM RÕ THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

Cho ý kiến về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Một trong các nội dung được các thành viên UBTVQH đề nghị làm rõ đó là quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí.

Thẩm tra của UBKT đưa ra 2 ý kiến. Trong đó, ý kiến thứ nhất đề nghị chỉnh sửa theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí. Đồng thời, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết hoạt động dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Ý kiến thứ 2 nhất trí quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Các thành viên uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, đảm bảo việc phân cấp, quy định thẩm quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chỉnh phủ và Bộ Công thương trong việc phê duyệt hợp đồng dầu khí. Giải trình vấn đề này, phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công thương khẳng định: Hợp đồng dầu khí là thỏa thuận pháp lý giữa Nhà nước và nhà thầu dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò tài nguyên dầu khí Quốc gia. Vì thế, chức năng phê duyệt hợp đồng dầu khí thuộc Thủ tướng Chính phủ là hợp lý.

CẦN LẤY THÊM Ý KIẾN VỀ BIỆN PHÁP CẤM TIẾP XÚC

Thảo luận về dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các thành viên UBTVQH cho rằng biện pháp cấm tiếp xúc trong Phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, đề nghị cần có những quy định chi tiết, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, để người bị bạo lực dễ tiếp cận và sớm được bảo vệ. 

Theo quy định hiện hành, Tòa án chỉ ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của nạn nhận bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc trong trường hợp cơ quan, tổ chức có đơn yêu cầu có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên trong thực tế hầu hết nạn nhân vì xấu hổ nên giữ kín, vì thế sau mỗi lần bạo lực tất cả lại “đâu vào đấy”. Do vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm thủ tục, quy trình báo cáo các vụ việc bạo lực gia đình theo hướng đơn giản để người bạo lực dễ tiếp cận.

Đối với quy định Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi xét thấy cần thiết để bảo vệ tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối, một số đại biểu cho rằng quy định như này là cần thiết.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục lấy ý kiến đại biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như đánh giá tác động tính tương thích với các điều luật khác đảm bảo tính khả thi.

TRÁNH CHỒNG CHÉO, MÂU THUẪN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, do nội dung dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có liên quan đến hơn 80 văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy, các thành viên UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ các khái niệm, rà soát các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột.

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Luật này c ó nội dung liên quan 86 VBQPPL liên quan , gồm Hiến pháp, 47 bộ luật và luật, pháp lệnh, 26 Nghị định của Chính phủ và 13 Quyết định của Thủ tướng.  Luật ban hành không thay thế các văn bản này và được áp dụng trong TH các văn bản pháp luật chưa có quy định, do giao thao nhiều luật như thế nên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát toàn diện, kỹ lưỡng các quy định của luật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.” 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Luật này chỉ nói những vấn đề liên quan đến khoảng trống, tức là chưa có thì quy định ở đây. Như vậy, 1 nội dung về phòng thủ dân sự mà được quy định ở 2 loại VBQPPL, bản thân Luật Phòng thủ dân sự và luật chuyên ngành thì tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống PL sẽ ra sao khi ban hành dự án Luật này? Các thảm họa sự cố mà luật chuyên ngành quy định đã có đủ 3 nội hàm: phòng, chống, khắc phục hậu quả hay chưa? Có lẽ trong giai đoạn trình Quốc hội lần đầu thì phải làm rõ nội dung chính sách và phạm vi đề cập của luật này thế nào?” 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ các khái niệm; làm rõ phạm vi điều chỉnh để thống nhất nội dung dự thảo Luật với pháp luật có liên quan, theo hướng Luật này chỉ quy định chung nhất về phòng, chống, khắc phục liên quan đến phòng thủ dân sự, còn lại áp dung theo các quy định pháp luật khác đã có hiệu lực thi hành.

SỬA NỘI QUY KỲ HỌP: QUỐC HỘI LÀM HẾT VIỆC CHỨ KHÔNG LÀM HẾT GIỜ

Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng. Cần phải bổ sung quyền linh hoạt cho Chủ toạ, người điều hành phiên họp; quy định rõ vấn đề về tranh luận, chất vấn, chất vấn lại tại phiên họp toàn thể.

Các đại biểu đề nghị, Chủ toạ, người điều hành phiên họp cần thiết phải có 3 quyền chủ yếu là:  quyền linh hoạt điều chỉnh thời gian, quyền cho dừng phát biểu và quyền thay đổi thứ tự phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, vai trò chủ toạ, người điều hành được thể hiện rất rõ. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cụ thể hoá hơn các tiêu chí mà Hiến pháp và luật đã có quy định. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quyền linh hoạt điều hành là rất cần thiết, đảm bảo cho một Quốc hội có “sức sống”, tăng tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ, pháp quyền, thích ứng với diễn biến thực tế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nên chăng phải tính cả trường hợp trong quy chế để xin phép dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và quyền linh hoạt cho Quốc hội. Chúng ta phải thực hiện phương châm Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ. Thực tế khóa XIII, XIV một số phiên đã kéo dài rồi, nếu đại biểu Quốc hội đồng ý là bây giờ là nhiều đại biểu như thế nên cho kéo dài thời gian của phiên họp ra, không phải 5 giờ chiều kết thúc mà có thể 5 giờ 30, 6 giờ, thậm chí 7 giờ mới là đổi mới, coi đây là một giải pháp rất mới. Chúng ta mở rộng quyền của đại biểu là chỗ này." 

Tại phiên họp, các ý kiến cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn nội hàm giữa tranh luận và chất vấn, để tránh sự lẫn lộn, đảm bảo quyền cho đại biểu. Các đại biểu đề nghị, tranh luận trong chất vấn không nên chỉ quy định ở phạm vi là người chất vấn mới được quyền tranh luận mà bao gồm cả các đại biểu quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, quyền tranh luận trong chất vấn là quyền của các đại biểu, đây là điều cần phải được được khẳng định. Về thời gian tranh luận, từ thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy quy định không quá 2 phút như dự thảo là phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, giao Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo chỉ đạo, tiếp thu đầy đủ. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) để báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 9/2022./.

BẢO ĐẢM TÍNH ĐỘC LẬP, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA THANH TRA CÁC CẤP

Chiều 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra cấp huyện, cấp tỉnh với UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; giữa Thanh tra Chính phủ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện kết luận thanh tra. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận đây là những vấn đề thanh tra đang gặp phải trên thực tế.  Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm một số quy định.

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng Thanh tra Chính phủ: “Bệnh tồn đọng của thanh tra chính phủ, có những tồn đọng cách đây khoảng 5, đến 6 năm. Trong điều 74 chúng tôi soạn thảo, trong 15 ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra thì người ra kết luận thanh tra, kiến nghị của mình, tính độc lập là ở đây.” 

Cho rằng phần giải trình của Tổng thanh tra Chính phủ “đúng nhưng chưa đủ”, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu thực tế có tình trạng một số vụ việc khi thanh tra báo cáo lên chủ tịch UBND cùng cấp, nhưng chỉ để đó mà không được báo cáo lên cấp uỷ. Do vậy Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của trưởng đoàn và đoàn thanh tra. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan làm rõ quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra có các khâu, các bước cụ thể, việc gì cần xin ý kiến và việc gì là cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền; làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra và tính độc lập này gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến, xác định rõ hơn về thẩm quyền của cơ quan thanh tra, của đoàn thanh tra, của các cơ quan thanh tra trong hệ thống, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra.

CẦN THIẾT THÀNH LẬP BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở TẤT CẢ CÁC LOẠI HÌNH CƠ SỞ

Cũng trong chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo về Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, và thảo luận các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc. 

Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở nhằm bảo đảm sự bình đẳng và bảo đảm có cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cả những đơn vị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp là cần thiết. Đối với việc ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Ban thanh tra ở cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Ban chấp hành công đoàn.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ luật chuyên ngành, đảm bảo khả thi và không có mâu thuẫn.

Về Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh  đây là thiết chế rất có hiệu lực, hiệu quả. Do vậy cần tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của thiết chế này.

Giải trình thêm về vấn đề này , Bộ trưởng Bộ nội vụ Phạm Thi Thanh Trà cho biết đây là một thiết chế dân chủ rất quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình. Ban soạn thảo tiếp thu cân nhắc thêm khi Chính phủ ban hành những quy định cụ thể.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Uỷ van TVQH  Thống nhất tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động để tạo thống nhất, bình đẳng. Đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát thêm về nội dung hỗ trợ kinh phí cho Ban thanh tra nhân dân bảo đảm tính khả thi và không xung đột với các luật khác, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời làm rõ hơn vấn đề liên quan đến đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có sử dụng lao động ở nơi mà không có tổ chức công đoàn.

LÀM RÕ NỘI HÀM VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, UBTVQH đã nghe báo cáo tóm tắt Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đồng thời thảo luận cho ý kiến về các nội dung quan trọng và còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.   

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phạm vi sửa đổi của Luật Tần số vô tuyến điện không nhiều nhưng rất quan trọng; Cơ quan soạn thảo cần đánh giá, giải trình đầy đủ hơn nguyên nhân đến nay vẫn chưa thực hiện đấu giá sử dụng tần số vô tuyến điện trong khi ở nhiều nước, đây là “tài nguyên đặc biệt” mang lại giá trị kinh tế lớn. Bên cạnh đó, các ý kiến   Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ tiêu chí để áp dụng cho từng phương thức đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp tần số.   Đối với sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế cần tiếp tục thảo luận sâu sắc nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia, phù hợp với các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến hội nghị đại biểu chuyên trách cũng như ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội… để hoàn chỉnh dự thảo luật. Riêng về việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục làm rõ nội hàm, cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động về mặt quy hoạch, kỹ thuật, trường hợp đặc biệt, yêu cầu bảo mật và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; lựa chọn phương án tối ưu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư.

BẾ MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UBTV QUỐC HỘI

Chiều 18/8, Phiên họp chuyên đề pháp luật của UBTVQH đã bế mạc sau 4 ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, hiệu quả, hoàn thành chương trình đề ra.  Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định thành công của phiên họp là một bước quan trọng nhằm triển khai thông báo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, đồng thời là bước chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết các nội dung tại phiên họp đều nhận được sự tán thành cao và cơ bản đều nhất trí. Các dự án trình ra đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có chất lượng và có sự đồng thuận cao.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2022. Để đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu  các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ,  chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa,  lắng nghe lẫn nhau với tinh thần cầu thị trong quá trình chuẩn bị.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Ngay từ bây giờ chúng ta cũng phải chuẩn bị ngay cho phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của công tác lập pháp trong tháng 9, dự kiến chúng ta còn 5 dự án luật, cộng thêm dự án Luật Phòng thủ dân sự, tức là còn 6 dự án luật nữa sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chuyên đề về công tác lập pháp trong tháng 9, trong đó còn có mấy dự án luật rất khó như Luật Phòng thủ dân sự hôm nay chúng ta đã nói, Luật Đất đai tuy là lần đầu tiên nhưng cũng rất quan trọng, rất khó, nhất là Luật Đất đai và Luật Khám, chữa bệnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã có khởi động bước đầu, có thông báo ý kiến để cho các cơ quan có liên quan thực hiện. Tổng Thư ký phải đôn đốc để đảm bảo tiến độ đến ngày 01/9 ít nhất phải có hồ sơ của các dự án luật này.” 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục rà soát nội dung để ban hành ngay thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các Nghị quyết, Pháp lệnh theo quy định.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

Sáng 19/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp phiên thứ nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trưởng đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, chuyên đề giám sát lần này khá phức tạp, với 2 nội dung lớn, quan trọng là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1.1.2018 đến ngày 31.12.2022 trên phạm vi cả nước. Với thành phần rất rộng rãi, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực có chuyên môn cao mỗi thành viên trong đoàn cần phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân để đảm bảo đến tháng 4 năm 2023 Đoàn giám sát cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại Phiên họp này Đoàn giám sát cho ý kiến xây dựng Kế hoạch chi tiết của Đoàn từ nay cho đến khi có kết quả báo cáo Quốc hội; thông qua nội dung phân công công việc cho các thành viên và góp ý về Đề cương báo cáo của Đoàn.

LÃNG PHÍ TỪ HƠN 96.000 HA ĐẤT NÔNG, LÂM TRƯỜNG CHƯA SỬ DỤNG 

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 ”, Đoàn giám sát đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo, số liệu sau sắp xếp năm 2012, diện tích đất các nông, lâm trường quốc doanh và Ban quản lý rừng chuyển đổi từ các lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng rất lớn, khoảng hơn 4 triệu ha. Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng, hiệu quả khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường hiện nay còn khá thấp, có nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng đến nay chưa được giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí cao như lấn chiếm đất lâm trường, (với 73.900 ha bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyện nhượng trái pháp luật; hơn 55.900 ha sử dụng vào mục đích khác; hơn 96.300 ha chưa sử dụng). 

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Trước đây có Chương trình 327 phủ xanh đất trống, giao đát để trồng rừng, sau này giao rừng để chăm sóc, mà k quản lý kỹ nên người ta bán, sổ xanh cũng bán luôn, qua nhiều đời xây trái phép, qua nhiều đời không xử lý được. Tôi đề nghị Bộ tới đây phối hợp với Bộ TNMT báo cáo cấp thẩm quyền có hướng xử lý.” 

Tổng diện tích đất của các công ty lâm nghiệp là hơn 2.200.000 ha, giảm hơn 1.800.000 ha so với hơn 4 triệu ha ban đầu. Tổ công tác cũng đề ngị Bộ báo cáo làm rõ hơn lý do giảm diện tích đất, đất bị lấn chiếm, tranh chấp để thấy rõ hiệu quả quản lý, lãng phí trong lĩnh vực này.

NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TẠI ĐÀ NẴNG

Trong tuần, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi khảo sát về việc thực hiện chính sách, giáo dục về giáo dục đại học tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, nhà trường chia sẻ: Hiện đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm tự chủ đại học với tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó mới có trường hợp đơn vị này buộc phải nộp tiền sử dụng đất hàng chục tỷ cho khoảng 4,7ha.

Về tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật của các trường tự chủ theo thông tư của Bộ GDĐT, nhà trường cho rằng đây là kiểu “gọt chân cho vừa giày.” Vì đặc thù mỗi trường khác nhau khiến các trường phải tự xoay sở xây dựng cơ chế. Giảng viên trường Công lập được trả lương theo hệ số, việc trả thêm thu nhập cũng vướng quy định “việc làm thêm không quá 200 giờ”. Do vậy, cho là tự chủ nhưng lại bị ràng buộc bởi quy định nên không thể tăng thu nhập cho giảng viên.

Đại học Đà Nẵng đã được quy hoạch một làng đại học với diện tích hơn 300ha, nhưng một trường Đại học thành viên với tuổi đời 47 năm như Đại học kinh tế lại bị đứng ngoài các ưu đãi đầu tư, bởi đơn vị này đang thực hiện tự chủ đại học. Đây cũng là 1 bất cập được đoàn giám sát ghi nhận trong buổi làm việc.

Trong tuần, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Hòa Bình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

CẦN ĐẦU TƯ HIỆU QUẢ CÁC DỰ ÁN PHÒNG CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Yên Bái cần hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến ứng phó với BĐKH, lồng ghép với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Triển khai xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH, tranh thủ nguồn lực, nhất là xã hội hóa, ưu tiên ứng phó với BĐKH. Nhiều ý kiến đề nghị Yên Bái cần nghiên cứu, cân nhắc đầu tư sao cho hợp lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các công trình, tránh lãng phí nguồn lực. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cần  tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH. 

Báo cáo của tỉnh Yên Bái cũng cho thấy, việc thực hiện ứng phó với BĐKH của một số địa phương, doanh nghiệp và người dân vẫn còn thụ động hoặc mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

XỬ LÝ NGHIÊM CÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Qua khảo sát, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Hòa bình hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến ứng phó với BĐKH, lồng ghép với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tăng trường xanh. Tiến hành công tác kiểm kê khí nhà kính, làm tiền đề cho việc triển khai thị trường tín chỉ carbon sau này. Nhiều ý kiến đề nghị phân định rõ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn lực khác cho công tác BĐKH khi lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội, tiến hành thanh kiểm tra về công tác ứng phó BĐKH để đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án mục tiêu của BĐKH và tăng trường xanh. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình khẳng định, khó khăn do địa hình, nguồn lực dẫn đến công tác ứng phó với BĐKH của địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra, đồng thời đề xuất với QH, UBTVQH cần ban hành Luật ứng phó BĐKH để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng cũng như bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương. Kết luật buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, tỉnh Hòa Bình cần chỉ đạo thanh tra, xử lý về vi phạm hành lang kỹ thuật bảo vệ các công trình khí tượng, thủy văn, đồng thời đề nghị Bộ TN&MT cần xem xét thực trạng tại các địa phương khác để xử lý giải quyết dứt điểm.

HỘI NGHỊ SƠ KẾT HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Trong tuần, Ban Chấp hành Công đoàn Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị mở rộng sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022. 

Hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm đã thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra; tổ chức tốt việc phát động và đăng ký thi đua, quan tâm kiện toàn tổ chức công đoàn các cấp, tham gia tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên. Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tiếp tục duy trì việc tổ chức thực hiện Hội nghị đối thoại với đoàn viên công đoàn; hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn vững mạnh.

Nhân dịp này, với những kết quả đạt được, nhiều tập thể, cá nhân thuộc công đoàn Văn phòng Quốc hội đã được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn viên chức Việt Nam.

Tại hội nghị, Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành, bầu bổ sung đồng chí Vũ Minh Tuấn Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Quốc hội khóa IX, nhiệm kỳ 2018-2023. 

Thùy Linh