Quốc hội trong tuần: Sôi động hoạt động giám sát và chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm

Phát triển du lịch trong tổng thể giá trị văn hóa, lịch sử; Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ Nga; Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ Cuba; Những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 của Quốc hội; Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách cùng các tin tức về hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội... là các hoạt động Quốc hội đáng chú ý trong tuần qua.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG TỔNG THỂ GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ

Trong tuần, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt đại biểu thành viên Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế - Văn hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. 

Cảm ơn những góp ý sâu sắc của chuyên gia, lãnh đạo và cán bộ quản lý cao cấp văn hóa và du lịch Việt Nam qua các thời kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng; luôn được xem là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Sau đại dịch, đây là thời điểm và cơ hội để chúng ta cơ cấu căn bản, toàn diện ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08  của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo Luật Du lịch năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Trên cơ sở chúng ta phải đổi mới tư duy, nhận thức về du lịch, từ nhận thức du lịch là một hoạt động vui chơi giải trí trong luật du lịch trước đây, đến nhận thức du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mang đậm giá trị văn hóa, mang đậm tính liên kết ngành, vùng. Đến tư duy về xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần nghị quyết 08 và luật du lịch 2017 là một bước tiến dài."

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng so với các nước trên thế giới và khu vực và so với tiềm năng thế mạnh du lịch Việt Nam thì kết quả kinh tế du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi nêu cao trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương và các nhà quản lý.  Đồng tình với các ý kiến tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa lịch sử cách mạng là hoàn toàn đúng đắn. Vì văn hóa mang giá trị tinh thần, giá trị lịch sử vô cùng to lớn. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương tình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó giải quyết được bài toán về nhân lực ngành du lịch, và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng phát triển du lịch trong tổng thể phát triển văn hóa, thực hiện hiệu quả kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc mới được tổ chức rất thành công, nhất là qua bài phát biểu rất sau sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với tinh thần Quốc hội luôn đổi mới vì sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn hoan nghênh, ghi nhận các ý kiến đóng góp trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, các quyết sách.. để Quốc hội luôn sát với thực tiễn, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP ĐẠI SỨ NGA

Chiều 4/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Gennady Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam đến chào nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự giúp đỡ quý báu mà Liên Xô trước đây- ngày nay là Liên bang Nga đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu  tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Liên bang Nga, mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Liên bang Nga trên tất cả các lĩnh vực, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội thời gian qua phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương; khẳng định sẽ làm hết sức mình để Quốc hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Nga, góp phần củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Nga GenNaĐi Bezdetko đánh giá cao việc hai bên tích cực triển khai các Thỏa thuận hợp tác đã ký, hai bên đã thường xuyên duy trì trao đổi Đoàn, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, phối hợp tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế Nghị viện đa phương.                            

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP ĐẠI SỨ CUBA

Cũng trong chiều 4/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Orlando Nicolas Hernandez Guillen, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam đến chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm vụ.

Tiếp Đại sứ Cuba Orlando Nicolas Hernandez Guillen, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ngài Đại sứ đều nhấn mạnh: Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những biến động không ngừng của tình hình thế giới, Việt Nam và Cuba vẫn luôn kề vai, sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong những thời điểm khó khăn nhất, cùng nhau chia sẻ niềm vui về những thành quả đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ truyền thống đặc biệt, vừa là đồng chí, vừa là anh em với Cuba; vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa hai nước có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau ứng phó thành công đại dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Quốc hội Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Cuba tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác đặc biệt giữa hai nước,  làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội. 

Ngài Đại sứ CuBa Ni Cô lát Hécnanđéc Guy len nhất trí cao với Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất về kinh tế - thương mại và đầu tư, từng bước đưa mối quan hệ này lên ngang tầm mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

UỶ BAN VĂN HOÁ GIÁO DỤC TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong tuần đã dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sơ kết đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục. 

Nổi bật trong hoạt động 6 tháng đầu năm của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục là đã lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời bám sát với thực tiễn để tổ chức các hội thảo, phiên giải trình như: phiên giải trình tình trạng xâm hại trẻ em; phiên giải trình chính sách, chế độ với nhà giáo; Hội thảo“Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển…; qua đó giúp các bộ ngành tương tác hiệu quả, thống nhất giải quyết ngay được nhiều vấn đề quan trọng. Nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là nghiên cứu, khảo sát, đánh giá Luật Giáo dục đại học, Luật Di sản văn hoá, Luật Báo chí; nghiên cứu xây dựng mới dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục trong thời gian qua, cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động lớn của 6 tháng cuối năm. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Khẩn trương triển khai thực hiện một số hoạt động hội thảo, diễn đàn về các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và trẻ em đã được Lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đồng ý về chủ trương, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Quan tâm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động giám sát, khảo sát và tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị về giáo dục và văn hóa gắn với khu vực và đối tượng cụ thể nhằm định hướng, đề xuất cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, Uỷ ban tiếp tục song hành, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Chính phủ để việc triển khai công việc đảm bảo chiều sâu, chất lượng; phát hiện bất cập tại các quy định của pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm kịp thời kiến nghị, tháo gỡ.

NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THÁNG 8 CỦA QUỐC HỘI

Chủ trì cuộc họp giao ban hàng tháng giữa Lãnh đạo Quốc hội với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá kết quả công tác tháng 7 và dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan chú trọng công tác giám sát.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả nổi bật đạt được trong tháng 7, cũng như những nỗ lực của các cơ quan trong cải tiến, đổi mới hoạt động. Lưu ý, với khối lượng công việc chỉ tăng, không giảm, nhiều việc áp lực về tiến độ, thì cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương, sâu sát, quyết liệt. Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu phải chú trọng công tác giám sát đối với những quyết sách lớn đã thông qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu các cơ quan cần lưu ý, đôn đốc, theo dõi tiến độ các công việc được giao, sớm khắc phục một số nhiệm vụ đang chậm trễ tiến độ đã được chỉ rõ.

CẦN NÂNG CAO TỶ LỆ ĐÓNG GÓP TỪ KINH TẾ HÀNG HẢI

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh và huyện đảo Cô Tô về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. 

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc thực hiện phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36 của Trung ương đã đạt một số kết quả quan trọng. Tổng doanh thu dịch vụ cảng biển (từ 2019-2021) đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng bình quân 16,7%/năm. Riêng ngành thủy sản phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến; Diện tích nuôi trồng đạt 21.300 ha; tạo việc làm cho khoảng hơn 53.600 lao động; chiếm 2,5% GRDP toàn tỉnh. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Quảng Ninh tiếp tục phát triển để cùng với Hải Phòng trở thành bộ phận quan trọng của hành lang kinh tế dải ven biển vịnh Bắc Bộ, cực tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nâng cao tỷ lệ đóng góp GRDP của kinh tế hàng hải, tăng doanh thu dịch vụ cảng biển, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để tiến tới hoàn thiện dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác đã tham gia lễ thượng cờ và trồng cây tại huyện đảo Cô Tô.

LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

Trong tuần, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội thảo Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế Quốc hội của Quốc hội phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo hội thảo. 

Tại hội thảo có 13 lượt ý kiến đóng góp trực tiếp. Các đại biểu góp ý điều chỉnh một số nội dung nhằm cụ thể hóa, làm rõ hơn, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật, như: ưu đãi đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù, chính sách tận thu, dự án chuỗi trong dầu khí, sử dụng ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí, phân cấp phân quyền, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, vấn đề quốc phòng, an ninh,… Một số đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét việc bổ sung nguồn nhiên liệu mới trong điều kiện nhu cầu sử dụng năng lượng hiện nay. 

Cũng có đại biểu cho rằng trong định luật có quy định nhiều thẩm quyền cho Tập đoàn Dầu khí, cơ chế giám sát, thẩm định cho các cơ quan chủ sở hữu Nhà nước cho Tập đoàn Dầu khí nhưng chưa thể hiện rõ trách nhiệm cuối cùng của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Chính phủ đến các Bộ.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, đây là một luật chuyên ngành, muốn đi sâu cần phải có sự nghiên cứu kỹ.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Luật này là luật khó, không nói độc quyền nhưng lĩnh vực này chỉ có dầu khí mới đi sâu được, chuyên gia về dầu khí… Ta nên cầu thị tiếp thu, các đồng chí cũng tích cực rà soát lại những quy định nào còn vướng giữa Luật Đầu tư và Luật này cũng đã để ngỏ rồi.''

Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, các chuyên gia tại hội thảo, Ủy ban Kinh tế sẽ tổng hợp để chuẩn bị báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14 diễn ra vào tháng 8/2022 và Trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

NGĂN CHẶN THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NGAY TỪ KHI XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

Trong tuần, tại TP. Đà Nẵng, thay mặt Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban soạn thảo Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, tham dự và chủ trì Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”. 

Các phát biểu tại hội thảo cũng đem đến một cái nhìn tổng thể về “lợi ích nhóm”. Trên thực tế, có cả lợi ích nhóm tích cực và tiêu cực. Trong đó “lợi ích nhóm tiêu cực” là của một nhóm người, hoặc một ngành, một địa phương, không chính đáng, bất hợp pháp và gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia. Trong quá trình xây dựng pháp luật, cũng có trường hợp các nhóm lợi ích tác động lên quá trình hoạch định, “lái” chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực. Các hành động này đều bị coi là tham nhũng. Do đó thời gian qua, công tác giám sát việc xây dựng, thực thi chính sách pháp luật rất được coi trọng.

Trong công tác lập pháp, do quy trình thủ tục chặt chẽ nên khi văn bản pháp luật khi đã được Quốc hội, Uỷ ban TVQH ban hành, xem xét thông qua thì cho đến nay chưa phát hiện có hành vi lợi ích nhóm. Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế như: lấy ý kiến đối với dự thảo luật đôi khi còn hình thức, cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thoả đáng, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo rà soát thủ tục hành chính đôi khi còn hình thức, chất lượng báo cáo thẩm định, thẩm tra còn sơ sài, xuôi chiều… Đây là những tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình lập pháp.

LUẬT CHỜ NGHỊ ĐỊNH, HƠN 10 NĂM CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐẤU GIÁ

Tiếp tục giám sát về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, chủ trì buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật, khiến công tác đấu thầu về tần số, viễn thông chưa thể thực hiện được, đây là vấn đề được Đoàn giám sát đặt ra với công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Luật Viễn thông đã được ban hành từ năm 2009 nhưng việc đấu giá kho số viễn thông gặp khó khăn, vướng mắc khi đấu giá mã mạng và mâu thuẫn trong quy định về phân bổ mã viễn thông.

Một luật khác cũng có hiệu lực cách đây hơn 10 năm-đó là Luật tần số vô tuyến điện, nhưng việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động cũng chưa thực hiện được do phải chờ văn bản hướng dẫn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ lĩnh vực phụ trách của Bộ TT&TT là lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thường là những vấn đề đi trước nên cơ chế chính sách và các quy định chưa thể theo kịp sự phát triển sẽ gây khó khăn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, đề nghị Bộ rà soát tất cả 52 hành vi gây lãng phí theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nhận định, đánh giá đúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Tôi đề nghị là bây giờ ta phải xem lại Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rồi các thông tư, nghị định, các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính, như thế nó đủ rõ chưa để làm chưa? Trong cái Nghị định, thông tư này đã có một cái định mức nào chưa? Tôi thấy vắng bóng các cái định mức trong các Nghị định và Thông tư này. Thực tế là không lượng hóa được cái hành vi tiết kiệm và hành hành vi vi phạm gây lãng phí và chế tài khen thưởng và xử phạt, thế liệu đã đủ để thực hiện Luật chưa.”

Trưởng đoàn Giám sát cũng đề nghị Bộ TT&TT đề xuất cụ thể việc hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan; phân tích đầy đủ các nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục, cố gắng lượng hóa tối đa kết quả thực hiện dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

GIÁO DỤC Ý THỨC TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TỪ TRƯỜNG HỌC

Tiếp tục giám sát về “ việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm , chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 ”, Phó Chủ tịch Quốc hội , Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng về nội dung này. 

Theo kết quả của Kiểm toán, trong quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đối với các Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2016-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể của 23/24 chương trình, dự án, dẫn đến không có cơ sở đánh giá tiến độ và so sánh kết quả, mục tiêu đạt được hàng năm so với kế hoạch tổng thể. Việc thực hiện không đúng tiến độ đã gây lãng phí.

Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc sử dụng kém hiệu quả với các dự án này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cùng với Khoa học-Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu. Sản phẩm quan trọng của ngành là bảo đảm nguồn nhân lực cho đất nước. Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực có liên quan đến từng gia đình, từng công dân. Tuy nhiên, hiện nay, trong nội dung 5 luật về giáo dục và đào tạo lại không có cụm từ nào về “tiết kiệm”, “lãng phí”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ GD&ĐT như thế nào?

Để THTK,CLP có hiệu quả từ phương diện cá nhân đến phạm vi toàn xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, luật hóa về THTK,CLP cần gắn chặt với giáo dục về THTK,CLP để mỗi công dân từ khi sinh ra đã được giáo dục bài bản về vấn đề này.

LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DỰ ÁN KÝ TÚC XÁ SINH VIÊN

Điểm danh các dự án ký túc xá sinh viên ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng gần 20 năm bỏ hoang đến nay đã bị xuống cấp;  dự án KTX sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp sử dụng không hiệu quả khi hệ số sử dụng chỉ đạt 58%; hay Dự án Khu ký túc xá sinh viên cụm trường tại Chí Linh – Hải Dương đang phải tạm dừng do thiếu vốn…Các thành viên đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ sự lãng phí của  đầu tư nhà nước đối với các dự án này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Xây dựng, bên cạnh việc đánh giá được những ưu điểm nổi bật, cách làm hiệu quả, cần chỉ rõ những khuyết điểm tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phân tích rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ góc nhìn chiến lược quản lý nhà nước của Bộ.

Về hoàn thiện chính sách pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng cần đề xuất cụ thể, nhất là đối với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, các luật chuyên ngành như: Luật Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, các quy định về Cấp thoát nước, Quy hoạch không gian ngầm.

PHIÊN HỌP THỨ TƯ ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Trong tuần, Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” đã họp phiên thứ 4 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.

Tại phiên họp, các thành viên trong Đoàn giám sát đã cho ý kiến, thảo luận để xây dựng Báo cáo kết quả giám sát chung; đề xuất, thảo luận về những vấn để nổi lên sau giám sát cần phải trao đổi, làm rõ tại phiên làm việc với Chính phủ tới đây. Đồng thời cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát đối với Bộ, ngành, địa phương đã giám sát trực tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đánh giá cao các thành viên Đoàn giám sát đã tâm huyết, trách nhiệm, góp ý nhiều nội dung quan trọng để hoàn chỉnh báo cáo. Đồng thời nhấn mạnh những vấn đề cần làm sâu sắc thêm, trong đó có các nhóm nguyên nhân dẫn đến những tồn tại việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương giao Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tiếp thu các ý kiến thành viên trong đoàn, chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn thiện tài liệu, xây dựng báo cáo kết quả của Đoàn giám của Đoàn đảm bảo chất lượng, hiệu quả để báo cáo Chủ tịch Quốc hội, và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9.

KIÊN GIANG TIẾT KIỆM ĐƯỢC HƠN 5000 TỶ ĐỒNG TRONG GIAI ĐOẠN 2016-2021

Thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Đoàn công tác số 3 do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Bùi Văn Cường làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về vấn đề này.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2021, tỉnh Kiên Giang đã tiết kiệm được 5.160 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm chi thườn xuyên là 2.586 tỷ; chi công tác đấu thầu, quyết toán dự án hoàn thành, thẩm định dự án, mua sắm là 2.574 tỷ đồng.

Qua giám sát, đoàn công tác ghi nhận và đồng tình với kết quả mà địa phương này đạt được trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, đoàn công tác đề nghị tỉnh Kiên Giang cần làm rõ, bổ sung một số tồn tại, hạn chế như chưa ban hành kịp thời chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn 2016-2021. Đoàn cũng nhìn nhận tỉnh Kiên Giang chưa bố trí dự toán để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ngoài ra, việc quản lý chi phí đầu tư dự án chưa đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Giai đoạn 2016-20201 tỉnh chỉ ban hành 10 nghị quyết điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho thấy chất lượng đầu tư công trung hạn không cao.

LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN CẦN SỰ THAM GIA CỦA LIÊN BỘ NGÀNH

Trong tuần, tại TPHCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến về dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)” trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.

Tại hội thảo, các đại biểu đồng tình với việc cần thiết ban hành dự án Luật phòng, chống rửa tiền sửa đổi bởi việc hoàn thiện quy định pháp luật là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền và các tội phạm liên quan. Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các đại biểu cơ bản thống nhất công tác phòng chống, rửa tiền liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Một số nội dung theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) như phòng chống rửa tiền đối với cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo, các đại biểu cũng cho rằng chưa cần thiết đưa vào dự án Luật phòng chống rửa tiền.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp sâu sắc, chất lượng của đại biểu và ghi nhận nhiều nội dung đã được Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước  giải trình, làm rõ. Trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo, Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14, khóa XV.

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CẮT ĐẦU TƯ 

Tự chủ không phải là tự do, tự lo – đây là quan điểm được các đại biểu thống nhất tại Hội nghị tự chủ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức. Tự chủ tài chính, vì thế cũng không có nghĩa là bỏ mặc các trường và cắt toàn bộ đầu tư của Nhà nước.

Tự chủ đại học trong thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Trước kia có tiền nhưng không thể chi cho con người được mà cứ phải chi loanh quanh cho cơ sở vật chất hay chi đúng trình tự… Giờ nhờ tự chủ, nghe được các trường báo cáo chi được cho phats triển con người, cho đào tạo mà mừng quá. Tự chủ đem đến tự do học thuật.''

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến việc tự chủ đại học gặp khó khăn trong quá trình triển khai, trong đó đáng chú ý, mối quan hệ giữa hội đồng trường chưa rõ ràng với các thiết chế khác như ban giám hiệu hay Đảng ủy nhà trường có thể gây ra nguy cơ mất đoàn kết nội bộ.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ đại học, trước mắt, cần lưu ý phân biệt, làm rõ hơn mối quan hệ giữa các thiết chế trong nhà trường; có sự phân công, phối hợp, phân vai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản trị, quản lý và điều hành hoạt động nhà trường một cách hợp lý hơn.” 

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần làm rõ khó khăn, vướng mắc khiến cho nhiều trường chưa kiểm định chất lượng, chưa thể thực hiện tự chủ một cách quyết liệt.

Đổi mới, đặc biệt là đổi mới giáo dục là chặng đường chông gai và cần nhiều nỗ lực. Thông qua hội nghị lần này, những khó khăn được nêu ra không phải để quay ngược xu hướng, mà để cùng tìm những giải pháp vượt qua thách thức, đưa giáo dục đại học Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Thùy Linh