Quốc hội trong tuần: Tổng kết cuộc vận động xây dựng phong cách người Công an Nhân dân

Tổng kết cuộc vận động xây dựng phong cách người Công an Nhân dân; Bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Đảm bảo tính thống nhất dự án Luật Dầu khí với các luật khác; Kiến nghị tăng cường giám sát quản lý đất đai ... là những tin tức nổi bật về tình hình Quốc hội trong tuần qua (2/5-8/5)

Tổng kết cuộc vận động xây dựng phong cách người Công an Nhân dân

Trong tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổng kết cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ”, Quy định tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân đối với công an nhân dân và trao tặng các hình thức khen thưởng cấp nhà nước cho các đơn vị, cá nhân tiêu biểu. 

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Đảng ủy Công an  Trung ương, Bộ Công an và Công an các địa phương đã đạt được trong thực hiện Kết luận 01 và các Cuộc vận động. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục và lâu dài của Đảng ta. 

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cách đây 01 năm, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua nghe báo cáo và các tham luận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành Công an đã đánh giá rất toàn diện kết quả, phân tích rõ những ưu điểm, hạn chế, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thời gian tới. 

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã khởi tố, điều tra các vụ án lớn, được dư luận đồng tình ủng hộ, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác này. 

Điển hình là việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, giáo dục, đất đai, cổ phần hóa, khoáng sản, xăng dầu... trong thời gian qua. Qua đấu tranh với các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có thể nói, việc học tập và làm theo tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần thương dân tha thiết, tinh thần cách mạng vô sản, trong sáng đã trở thành việc tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Bởi vậy, nhiều cán bộ chiến sĩ đã không ngại hiểm nguy lao vào đám cháy hay lao mình xuống dòng nước xiết, dầm mình trong lũ dữ để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong phòng, chống Covid -19, bằng cả tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sẻ chia sâu sắc, tận tình phục vụ, hướng dẫn, bảo vệ an ninh, trật tự cho Nhân dân trong vùng dịch, trong các khu cách ly, tham gia vận chuyển hàng hóa; chăm sóc người bị nạn, thăm hỏi tặng quà cho người dân gặp khó khăn, Nhân dân vùng lũ, người lang thang cơ nhỡ, giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa… Chủ tịch Quốc hội cho rằng những hình ảnh đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân và hình ảnh người Công an “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, là lẽ sống của mình”.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động, Quy định tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân đối với Công an nhân dân đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân , bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”; đặc biệt cần chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân trong toàn lực lượng. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo Bác để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thấy được trách nhiệm, vai trò, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, Công an nhân dân là “công bộc của dân”, là “người bạn của Nhân dân”. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ là tuyên truyền viên, giúp Nhân dân hiểu và chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.”

Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên; thường xuyên tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng, thước đo để đánh giá chất lượng tổ chức, bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên Công an.

Bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tuần qua, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố và trao Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm ông Phạm Thái Hà giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã công bố Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Phạm Thái Hà, Trợ lý Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, thời hạn 5 năm.

Phát biểu tại lễ trao quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao đồng chí Phạm Thái Hà là cán bộ được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ tin tưởng, ở cương vị mới, đồng chí Phạm Thái Hà sẽ tiếp tục phát huy sở trường, năng lực, kinh nghiệm công tác, vận dụng đổi mới sáng tạo hơn nữa trong tham mưu phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội; góp phần đổi mới phương thức phối hợp công tác với các cơ quan của Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ nhằm bảo đảm quan hệ phối hợp ngày càng được tăng cường, thực chất, đạt kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đồng thời hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ Trợ lý, Thư ký, giúp việc của các Lãnh đạo QUốc hội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trao tặng Huân chương Quang Hoa của Chính phủ Hàn Quốc cho ông Trần Văn Tuý 

Trong tuần qua, tại nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ trao tặng Huân chương Quang Hoa của Chính phủ Hàn Quốc cho ông Trần Văn Tuý, nguyên Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức trung ương, Chủ tịch nhóm nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Park Noh – wan cho biết, “Quang hoa chương” là huân chương hạng cao nhất trong hệ thống huân chương ngoại giao của Hàn Quốc, dành cho những người có cống hiến quan trọng phát triển quan hệ hữu nghị giữa Hàn Quốc và các nước anh em. Trong giai đoạn khi còn đương chức Chủ tịch và Bí thư tỉnh uỷ Bắc ninh, ông Trần Văn Tuý đã góp công lớn vào việc xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc kết nối mật thiết hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Trong giai đoạn từ 2016-2021, trên cương vị Chủ tịch nhóm nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, ông Trần Văn Tuý đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội hai nước lên một tầm cao mới. Thay mặt Tổng thống Hàn Quốc, Đại sứ Hàn Quốc Park Noh – wan đã trao tặng huân chương Quang hoa cho nguyên Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Chủ tịch nhóm nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc Trần Văn Tuý, đây là sự ghi nhận những tâm huyết, nỗ lực, đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng chí Trần Văn Tuý trên các cương vị công tác, góp phần vào việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc cũng như Quốc hội hai nước.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam đã tặng hoa, chúc mừng ông Trần Văn Tuý.

Đảm bảo tính thống nhất dự án Luật Dầu khí với các luật khác

Cũng trong tuần qua, Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;  dự án Luật khám,chữa bệnh (sửa đổi) dự kiến trình tại kỳ hợp thứ 3, Quốc hội khoá XV.  

Tại hội nghị, nhiều ý kiến khẳng định rõ quan điểm, Luật dầu khí là Luật áp dụng chung chứ không chỉ dành riêng cho tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Dự thảo lần này đã tập trung rà soát các quy định về áp dụng Luật dầu khí với các luật có liên quan như Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, để đảm bảo thống nhất, cụ thể, khả thi, phù hợp thực tế và tính đặc thù của lĩnh vực dầu khí. Đặc biệt việc áp dụng Luật đấu thầu và Luật dầu khí trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí cũng được các đại biểu quan tâm và đề nghị cơ quan chịu tác động của Luật cho ý kiến.

Ông LÊ NGỌC SƠN, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: "Khi sửa Luật đấu thầu cũng đã nói rất nhiều vì sao Dầu khí không phải theo Luật đấu thầu. Ở đây Dầu khí không chỉ là Tập đoàn dầu khí mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài nữa. Thứ 2 là các hàng hoá vật tư phục vụ hoạt động dầu khí thì rất khác, ví dụ như 1 mũi khoan kim cương chẳng hạn thì số nhà cung cấp rất ít, trên thế giới chỉ có vài nhà cung cấp. Nếu chúng ta đưa ra đấu thầu vì việc lựa chọn rất khó.”

Cũng trong hội nghị, một số ý kiến cho rằng, các hợp đồng dầu khí được ký kết theo Lô dầu khí, khi chưa biết rõ tiềm năng, quy mô, trữ lượng. Giai đoạn tìm kiếm thăm dò chi phí lớn, rủi ro cao. Qua đó cũng đề nghị dự thảo luật cân nhắc thêm một số ý kiến liên quan đến môi trường đầu tư nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư lớn như: xem xét bổ sung mức thu hồi chi phí lớn hơn 80% cho một số trường hợp đặc biệt; xem xét điều chỉnh thuế suất đối với thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp nhất là 20% như các lĩnh vực khác thay vì 25% như hiện nay. 

Ông NGUYỄN THÀNH CÔNG, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, tôi nhất trí với tiêu chí xác định đói tượng và mức thuế ưu đãi, ư đãi đặc biệt như dự thảo Luật để phù hợp thực tiễn. Đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm hình thức cơ chế ưu đãi khác để thực sự bảo đảm tính cạnh tranh và đảm bảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Nhất là khi các quốc gia đang nghiên cứu áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.”

Góp ý dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm trong luật như: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện (gián tiếp), chủ thể, khách thể thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Điều 3, nguyên tắc thực hiện dân chủ cơ sở, tôi thấy viết rất là chung. Những cái này hiến pháp, nghị quyết quy định hết rồi. Giờ phải cụ thể hoá được nguyên tắc thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát là cái gì? Đấy mới quan trọng. Phải làm rõ hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp. ở đây chúng ta không hề quy định về dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.”

Một số ý kiến đề xuất cần quan tâm đến đảm bảo thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cần quy định mức hỗ trợ thông tin tuyên truyền khi có những sự kiện quan trọng của đất nước. Đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy dân chủ của nhân dân ngay từ khâu xây dựng Luật.

Ông LÊ VIỆT TRƯỜNG, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội: “Đâu đó lúc này lúc khác cũng có những cơ quan trình dự án nghĩ thay, quyết định thay cho công dân. Cái kiểu như ôi lĩnh vực phục vụ quốc phòng nó vất vả lắm, không cho nữ vào. Tôi nhấn mạnh cái này để khi xem xét bất cứ dự án Luật nào cũng vậy, đề phòng trường hợp để thuận lợi cho công tác quản lý cua Bộ ngành mà hay nghĩ thay, quyết định thay cho công dân. Cần phải loại trừ quan niệm và cách làm như vậy.”

Với 2 loại ý kiến được đưa ra tại dự thảo liên quan đến quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án luật, đa số các đại biểu đồng ý với ý kiến thứ 2: Đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Một trong số những lý do được đưa ra là điều này đã được điều chỉnh trong Bộ Luật lao động và Nghị định 145/2020 của Chính phủ rồi.

Cần chính sách ưu tiên về khám chữa bệnh cho đồng bào vùng cao 

Cho ý kiến góp ý dự án Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần sự quan tâm đặc biệt đối với công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Nhiều dẫn chứng từ câu chuyện đã và đang xảy ra ở các địa phương như Lai Châu, Thanh Hoá… khiến đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn không trụ lại lâu. Nhiều trường hợp xin luân chuyển công tác, thậm chí đồng ý trả lại tiền đã được tỉnh hỗ trợ đào tạo. 

Bà CẦM THỊ MẪN, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: "Ở các cơ sở khám chữa bệnh miền núi điều kiện thiếu thốn. Có quy định về chính sách cho cán bộ y bác sĩ ở đồng bào dân tộc thiểu số lại đang nằm trong quy định chung của y bác sĩ. Tôi cũng đề nghị ban soạn thảo nên chăng có quy định chính sách riêng đối với y bác sĩ ở vùng đồng bạo dân tộc thiểu số hay không?”

Có ý kiến đề nghị trong dự thảo Luật cần có 1 khoản quy định riêng về khám chữa bệnh cho đồng bào, bao gồm cả nguồn nhân lực và chế độ chính sách. 

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: "Chủ thể đầu tiên ở đây cần xác định ưu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì ngoài đồng bào dân tộc thiểu số chung rồi thì chính sách ưu tiên của chúng ta dành cho nhóm đồng bào dân tộc ít người, đó là ưu tiên cao hơn. Trong thiết kế luật và chính sách chúng ta đi theo hướng đó. Thứ 2 là nhóm miền núi, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hiến pháp đã ghi rất chuẩn điều này. Có điều các Luật của chúng ta lại không đi chuẩn như cách tiếp cận của Hiến pháp. Tôi đề nghị đây là điều khoản đã được quy định trong Hiến pháp cho nên cần được nhấn mạnh rất rõ trong luật khám chữa bệnh.”

Cùng với đó phải đảm bảo điều kiện được tiếp cận dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật lần này vẫn thiên về yếu tố kỹ thuật, chưa đề cập nhiều tới quản lý nhà nước. Về quan hệ đối tác công tư, tổ chức y tế phi lợi nhuận cũng chưa được đề cập đến trong dự thảo.

Kiến nghị tăng cường giám sát quản lý đất đai

Trong tuần qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương đã tiến hành tiếp xúc cử tri, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của tri gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. 

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến: vấn đề kiểm soát giá đất tăng cao hiện nay ở nhiều địa phương; tăng cường kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm trên các dòng sông chảy qua địa phận tỉnh.

Cử tri huyện Mỹ Hào cho rằng tình trạng sốt đất ở nhiều tình thành vừa qua đã tạo điều kiện cho những thành phần trung gian kiếm lời, nảy sinh nhiều hiện tượng cò mồi, môi giới đất đai không lành mạnh. Một số dự án, công trình xây dựng được đầu tư cấp đất nhưng không đưa vào sử dụng gây lãng phí, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội. Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những giải pháp nhằm để phục tình trạng này.

Bà NGUYỄN THỊ HOA, Huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên: “Hiện nay giá đất tại nhiều tỉnh, thành phố tăng cao. Dư luận xã hội cho rằng có những đội ngũ cò mồi đất làm cho giá đất tăng nhanh. Nhà nước, chính phủ có những nhận định gì về vấn đề này và có những giải pháp về quản lý công tác này như thế nào?”

Ông ĐÀO HỒNG VẬN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Thời gian qua đối với tỉnh Hưng Yên đã có chỉ đạo rất quyết liệt. Hàng năm, tỉnh ủy, UBND đều chỉ đạo các địa phương rà soát lại các dự án quá thời hạn không đưa vào khai thác thì thu hồi. Rất nhiều vấn đề về quản lý đất đai trên địa bàn chúng ta thời gian qua cũng đã đưa ra khởi tố, xem xét xử lý các vụ việc này.”

Cử tri cũng nêu kiến nghị về tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Nhiều nhánh sông  phục vụ cho công tác thủy nông bị ứ đọng, trong khi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải của các nhà máy xung quanh đổ ra, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những hộ dân sống dọc trên tuyến sông này. .

Về nội dung này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho biết, Đoàn cũng đã đề nghị  UBND tỉnh thực hiện nhiều biện pháp như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và chỉ đạo các đơn vị liên quan  nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải.

Cử tri Bình Chánh khổ vì dự án “treo” kéo dài

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong tuần qua Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố đã tiến hành tiếp xúc cử tri Huyện Bình Chánh. Cử tri cho rằng với hàng trăm dự án “treo”, trong đó có nhiều dự án “treo” kéo dài từ 20 đến 30 năm, huyện Bình Chánh là địa bàn nóng liên quan tới các vấn đề về quy hoạch đất đai tại TP. Hồ Chí Minh, cử tri đề nghị cần sớm có biện pháp giải quyết, tháo gỡ, xoá bỏ dự án không khả thi.

Hàng trăm ha đất bỏ hoang cho cỏ dại mọc nhưng người dân lại không có đất canh tác, nhà cửa không được sửa sang, xây mới, đất đai không được chuyển nhượng, cho, bán vì vướng quy hoạch. Đó là hoàn cảnh chung của không ít hộ dân thuộc Dự án khu E, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh trong 30 năm nay. 

Bà TRANG THỊ ÁNH, Xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh: “Ở đây quy hoạch quá lâu rồi. Ba mươi mấy năm rồi. Hồi tôi chưa đẻ con tôi tới giờ, có chồng có vợ rồi, tới con tôi gả rồi cũng chưa được cái gì hết”.

Bức xúc trước tình trạng “treo” quá lâu, nhiều cử tri xã An Phú Tây đã kiến nghị hướng giải quyết để người dân bớt khổ. 

Ông LÊ VŨ HỒNG, Xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh: “Đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên sớm triển khai công tác quy hoạch. Nếu không triển khai được thì nên sớm dỡ quy hoạch để người dân có quyền lợi.”

Không chỉ dự án khu E, huyện Bình Chánh còn có hàng loạt các dự án khác cũng kéo dài từ 20-30 năm khiến cuộc sống của người dân lao đao, khốn đốn và gây thiệt hại, lãng phí rất lớn về tài nguyên đất. 

Ông HUỲNH VĂN TIỀN, Xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh: “Đô thị Sing – Việt và gần đó là mấy trăm mẫu, mấy ngàn mẫu bỏ hoang thì hỏi Đảng, Nhà nước và những người có trách nhiệm có lãng phí hay không?”

Đánh giá về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Tô THỊ Bích Châu bày tỏ sự cảm thông với những bức xúc của người dân.

Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: “Quy hoạch treo mà đến 25-30 năm vẫn chưa giải toả thì người dân bức xúc là đương nhiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với UBND huyện Bình Chánh, UBND TP. Hồ Chí Minh, các bộ ngành liên quan một số vấn đề pháp luật về đất đai còn chồng chéo khiến các bộ ngành hoặc sở ngành của tỉnh, thành chưa mạnh dạn, chưa có hướng dẫn rõ ràng để người dân phục hồi quyền lợi của mình”.

Hy vọng, những “trao đổi” này sẽ tìm được giải pháp tháo gỡ vướng mắc của các dự án treo tại huyện Bình Chánh trong thời gian tới.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiếp xúc cử tri huyện Tánh Linh

Trong tuần qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng đã tiến hành tiếp xúc cử tri thị trấn Lạc Tánh, xã Đức Thuận và cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang huyện Tánh Linh.

Tại hội nghị, Cử tri đồng tình nhất trí cao với nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua trong kỳ họp tới. Theo cử tri, đây sẽ là điều kiện để giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Tạo điều kiện cho họ có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH, Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận: “Cô thấy Nhà nước ta ra cái nghị quyết này rất đúng đắn vì các phạm nhân giờ là ra ngoài không có thời gian cái thứ 2 là không có tiền bạc nên nếu vừa cải tạo vừa học nghề thì rất đúng đắn.”

Liên quan đến việc hỗ trợ kinh tế tập thể, cử tri huyện Tánh Linh đề nghị các cơ quan chuyên môn của Chính Phủ và của tỉnh Bình Thuận nên có chính sách hỗ trợ cho hoạt động dịch vụ Tư vấn miễn phí về các thủ tục khi thành lập mới hợp tác xã, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh đối với các loại hình kinh tế hợp tác phát triển, bởi vì đa số thành viên hợp tác xã đều là nông dân, còn hạn chế nhiều về kiến thức điều hành sản xuất kinh doanh. 

Ông VÕ VĂN TY, Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận: “Phải khuyến khích hơn nữa kinh tế hợp tác, phải có chủ thể đứng ra liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nhưng hiện nay vướng mắc về thủ tục hành chính chưa gỡ được cho nên cần phải cấp bù kinh phí cho 1 cơ quan nào đó để họ tư vấn miễn phí cho việc thành lập hợp tác xã nhất là vùng nông thôn miền núi, nếu tháo gỡ được thì các hợp tác xã được thành lập nhiều hơn thì lúc đó nghị định 98 và nghị quyết 86 mới đi vào cuộc sống.”

Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, cử tri Tánh Linh cũng đề nghị quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố; hỗ trợ xây nhà cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nâng cấp tuyến đường 55 qua xã Đức Thuận.

Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khảo sát tại trại giam Đại Bình

Trong tuần qua, Đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã đi khảo sát thực tế về hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân tại Trại giam Đại Bình, huyện Bảo Lâm và làm việc với trại giam Đại Bình liên quan đến dự thảo nghị quyết về: “Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam”. 

Trại giam Đại Bình hiện có 240 cán bộ quản lý hơn 1.700 phạm nhân. Từ năm 2016 đến nay đã mở được 26 lớp dạy nghề với các ngành may công nghiệp, cơ khí, mộc, trồng rau an toàn…; phối hợp với các cơ quan, đơn vị giáo dục kỹ năng sống cho phạm nhân, giáo dục pháp luật, dạy xóa mù chữ cho phạm nhân và hướng nghiệp nghề nghiệp cho phạm nhân trước khi hòa nhập cộng đồng. Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu việc giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp tại cơ sở giam giữ, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; tăng thêm lực lượng giám sát phạm nhân. Đối với những ý kiến đóng góp của đơn vị sẽ được đoàn tổng hợp, báo cáo Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Thực hiện : Hồng Loan