Quốc hội Việt Nam đồng bảo trợ 4 dự thảo nghị quyết tại APPF 29

Ngay từ tháng 11 vừa qua, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, với vai trò thành viên có trách nhiệm của APPF, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự các phiên họp trực tuyến, thảo luận 13 dự thảo nghị quyết của Hội nghị, trong đó có 4 dự thảo nghị quyết do Quốc hội Việt Nam đồng bảo trợ, thể hiện nỗ lực đóng góp cho thành công của APPF 29.

Với tinh thần nâng tầm đối ngoại đa phương, tiếp tục phát huy vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới; sẵn sàng hợp tác vì sự phục hồi và phát triển của khu vực sau đại dịch, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết về vai trò của nghị viện trong lĩnh vực hòa bình an ninh, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa đa phương, về vấn đề đa dạng văn hóa, nhận được sự đồng thuận cao của các nghị viện thành viên APPF. 

Trong đó, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Việt Nam đã được đưa vào đồng bảo trợ 4 dự thảo nghị quyết, với những sáng kiến, đề xuất mang đậm dấu ấn Việt Nam:
(i) Nghị quyết về Thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối.
(ii) Nghị quyết về Tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy thương mại trong khu vực.
(iii) Nghị quyết về việc đạt được bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ.
(iv) Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 đảm bảo yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.

Bà THÁI QUỲNH MAI DUNG, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Nghị quyết ban đầu của Việt Nam có nội dung về kinh tế số và thương mại, đã được tách ra thành 2 nghị quyết… Trong nghị quyết về kinh tế số, ngoài Việt Nam có 1 số nước đồng bảo trợ. Trong quá trình thảo luận, chúng ta đã giữ được hết tất cả dự thảo ban đầu, chiếm khoảng 80% nội dung nghị quyết đã được thông qua… Phải nêu bật được vai trò của nghị viện các nước trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế số. Nhấn mạnh vai trò trong giám sát thực hiện các khuôn khổ pháp lý đó…. Việt Nam cũng kêu gọi sự tiếp cận công bằng để các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương cũng được tiếp cận với các thành tựu của kinh tế số.”

Bà LÊ THU HÀ, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho hay: “Đoàn Việt Nam đề nghị các nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác để đảm bảo chia sẻ công bằng vaccine giữa các nước, đảm bảo phụ nữ và trẻ em được tiếp cận vaccine một cách công bằng, an toàn trong tiêm chủng vaccine… Đoàn cũng đề nghị các nghị viện tăng cường các hành động tập trung vào chiến lược phục hồi có đáp ứng giới, để phụ nữ có thể tham gia vào tất cả các lĩnh vực, tất cả các cấp ra quyết định.”

Việc tham dự Hội nghị APPF 29 ở cấp Trưởng đoàn của Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Hàn Quốc, một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong khu vực.

Ông VŨ HẢI HÀ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Tại hội nghị này Chủ tịch Quốc hội sẽ có hai bài phát biểu quan trọng tại hai phiên về an ninh và phục hồi kinh tế. Đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, chúng ta kêu gọi các nước tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh tại khu vực, hợp tác phòng chống dịch có hiệu quả, chia sẻ vaccine… Đối với vấn đề kinh tế, chúng ta đề nghị các nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số, chuyển đổi nền kinh tế, hợp tác phục hồi sau đại dịch…”

Theo dự kiến ban đầu, Hội nghị APPF 29 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Seoul, Hàn Quốc, tuy nhiên, do sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến cho tình hình dịch bệnh tại khu vực trở nên phức tạp, hội nghị được chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, đặt ưu tiên cao nhất cho sự an toàn và sức khỏe của các đại biểu./.