Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nên giữ hay bỏ?

Khi cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , nhiều đại biểu quan tâm đến việc nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi Chính phủ đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì ở chiều ngược lại, có một số ý kiến cho rằng không nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước hiện nay đã liên thông với giá thế giới. Việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường.

Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:Nếu không vận hành theo cơ chế thị trường thì quỹ bình ổn giá là cần thiết. Như hiện tại bây giờ đang vận hành để không tăng giảm giá sốc, nhưng nếu đã chuyển sang hình thức Nhà nước quy định giá trần để cho doanh nghiệp điều chỉnh thì lúc đó không có lý do gì để tồn tại quỹ bình ổn.”

Khi mà nguồn cung từ sản xuất trong nước hiện đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng cả nước thì vai trò lịch sử của quỹ bình ổn giá xăng dầu được cho là đã kết thúc. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì dùng quỹ, Nhà nước có thể sử dụng công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế, ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Đây cũng là công cụ điều tiết nhiều quốc gia đang áp dụng.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH, Chuyên gia kinh tế:Kết cấu của nguồn cung xăng dầu Việt Nam đã có thay đổi cơ bản, khi 10 năm trước chúng ta áp dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cơ bản chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, do đó giá biến động theo giá thế giới, có thể nói là rất cao, như thời gian gần đây chúng ta thấy. Nhưng hiện nay phần lớn xăng dầu chúng ta tự sản xuất trong nước. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ được cả về nguồn cung, về dự trữ cũng như quyết định về giá xăng dầu. Do đó vai trò của quỹ bình ổn tôi cho cho rằng đã kết thúc”.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thuế phí chỉ có thể giảm trong ngắn hạn, áp dụng mức thấp trong dài hạn sẽ khó khăn. Chưa kể giảm rồi sau tăng lại không dễ. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ điều tiết giá hợp lý, đặc biệt vừa qua đã cho thấy lợi ích, tác dụng lớn. Cho nên Chính phủ vẫn đề xuất giữ lại quỹ này.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Riêng quỹ bình ổn giá xăng dầu, qua đánh giá về tác động thời gian vừa rồi cho thấy một lợi ích lớn trong quá trình thực hiện bình ổn giá xăng dầu vừa qua, đặc biệt là biến động trong năm 2022”.

Theo các chuyên gia, tại các quốc gia phát triển, giá xăng dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường là bình thường. Tuy nhiên, chính phủ các nước này luôn có kho dự trữ rất lớn, khi muốn tác động giá sẽ xả các kho này rất nhanh. Tại Việt Nam, kho dự trữ xăng dầu quốc gia hiện đang được dùng chung với kho dự trữ của doanh nghiệp, và lượng dự trữ còn mỏng nên cũng còn gặp nhiều khó khăn khi muốn tác động thị trường bằng công cụ này.

Thực hiện : Hằng Nga Đức Minh Anh Tuấn