Quy định chiến sỹ thi đua cơ sở phải có sáng kiến khoa học liệu có hình thức?

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) chiều 28/03, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát lại quy định: Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là phải có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học; bởi quy định như vậy là mang tính hình thức.

Đại biểu cho rằng, tiêu chuẩn sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học chỉ nên quy định là cơ sở để xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Còn đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, không cần có sáng kiến, đề án, đề tài khoa học, mà bổ sung thêm trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác.

Ông CAO MẠNH LINH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: “Nếu chỉ quy định cứng là phải có sáng kiến, đề tài mà không chú ý đến thành tích công tác thì sẽ không ghi nhận, động viên kịp thời đối với các cá nhân hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đóng góp rất tích cực vào kết quả phong trào thi đua chung của đơn vị. Thực tế đối với những đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế cơ quan theo chế độ công vụ rất khó để có nhiều sáng kiến đổi mới. Hơn nữa vào thời điểm mà khối lượng công việc nhiều cũng khó tham gia vào các đề tài khoa học được. Thực tế như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu về tính hình thức trong sách sáng kiến ở một số nơi như thời gian qua, do đó tôi đề nghị cơ quan chủ trì chính lý nghiên cứu thêm về vấn đề này.”

Một số ý kiến còn cho rằng, quy định tiêu chuẩn để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là phải có sáng kiến, đề tài khoa học là mang tính hình thức.

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Thực tế các đại biểu ngồi đây nếu đã là công chức thì năm nào cũng nhận giấy A4 lao động tiên tiến, khi chúng ta đăng ký chiến sĩ thi đua cơ sở bao giờ cũng phải đăng ký sáng kiến và hội đồng sáng kiến lại do anh em cùng cơ quan đứng ra họp bình xét với nhau thì tính hình thức của nó rất cao, cho nên tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi. Giống như các doanh nghiệp làm, người ta không có lao động tiên tiến nhưng có nhân vật của tháng, nhân vật của năm, người ta căn cứ vào sản phẩm đầu ra để khen thưởng, có thể thưởng nóng ngay lập tức. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên thay đổi những việc quá truyền thống và hình thức như thế này. Bởi vì, mặc dù lao động tiên tiến là cơ sở để chúng ta tính các thành tích khác, nhưng chúng ta có thể có những hình thức khác được không, vì nó quá hình thức.”

Ông BẾ MINH ĐỨC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Theo tôi nên xem xét quy định căn cứ xét tặng Chiến sĩ thi đua cơ sở nên dựa theo kết quả, hiệu quả lao động hàng năm, thay vì xét về sáng kiến, kinh nghiệm như hiện nay. Vì tôi thấy các giải pháp sáng kiến để xét tặng Chiến sĩ thi đua cơ sở hiện nay rất nhiều nhưng đa số mang tính hình thức, không được nhân rộng hoặc là áp dụng trong thực tế thì cũng rất hạn chế, như vậy sẽ phù hợp hơn.” 

Ở góc độ khác, đại biểu Trương Xuân Cừ lại cho rằng, sáng kiến hay đề tài khoa học mà tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền ra chứ không lấy từ Ngân sách nhà nước thì sáng kiến kinh nghiệm ấy mới có giá trị trong xét tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Nếu ngân sách nhà nước bỏ ra để các công trình khoa học được các tổ chức, những người cán bộ, công chức hoàn thành các đề tài này mà chúng ta lấy đó là tiêu chí, tiêu chuẩn để thi đua thì theo tôi chưa chắc đã là động lực để phát triển kinh tế - xã hội hoặc thi đua cải tiến sáng kiến kỹ thuật. Tôi thấy một thực tế là người ta làm đề tài khoa học từ ngân sách nhà nước, cũng nhiều tiền. Sau đấy dùng kết quả đó làm tiêu chuẩn phong phó giáo sư, giáo sư, từ đó cạnh tranh một cách không lành mạnh.”

Có ý kiến cho rằng, đối với tiêu chuẩn danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, dự thảo luật chỉ nên quy định là có quyết định công nhận sáng kiến, đề tài khoa học. Còn việc quy định thẩm quyền cấp tỉnh công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng toàn quốc của sáng kiến, đề tài khoa học là khó thực hiện và không mang tính thực tế.
 

Diệu Huyền