Quy định đấu giá sử dụng tần số vô tuyến điện chưa đủ rõ ràng

Liên quan đến phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua đấu giá hoặc thi tuyển, một số đại biểu cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho phép tối đa hóa nguồn thu và phản ánh chính xác nhất giá trị kinh tế của băng tần.

Tuy nhiên, việc sửa đổi quy định này không khác nhiều so với quy định hiện hành, do đó đề nghị quy định rõ các tiêu chí áp dụng cho từng trường hợp cấp phép trực tiếp, thi tuyển, đấu giá trong dự thảo luật.

Phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được sửa đổi theo hướng, cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có thể áp dụng đối với: Băng tần có giá trị thương mại cao, bao gồm nhưng không giới hạn băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất hoặc kênh tần số có giá trị thương mại cao và có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện. Quy định này theo các đại biểu là sẽ khó tạo ra thay đổi, chuyển biến khi triển khai luật.

Bà NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Việc sửa đổi, bổ sung này không rõ hơn luật hiện hành là bao nhiêu, đối với trường hợp cấp giấy phép trực tiếp còn mờ hơn luật hiện hành. Như vậy, tôi cho rằng chưa phù hợp và không giải quyết được các bất cập của thực tiễn. Các tiêu chí áp dụng các phương thức cấp giấy phép mà không rõ ràng, minh bạch trên thực tiễn áp dụng, rất dễ bị lợi dụng cũng như tùy tiện nảy sinh các tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại không cần thiết.”

Để giải quyết nút thắt này, giải pháp được đại biểu đưa ra là rà soát, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, không chồng chéo với quy định hiện hành.

Bà ĐỖ THỊ VIỆT HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Có thể bổ sung vào dự thảo luật này điều khoản để sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu giá tài sản ở những quy định có liên quan, đồng thời, quy định về các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, những trường hợp phải đấu giá, trình tự, thủ tục, nguyên tắc lớn để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về đấu giá tần số vô tuyến điện.”

Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành quy định rõ Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển, sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, nội dung được sửa đổi trong dự thảo luật chưa thấy đề cập người có thẩm quyền quyết định đấu giá hoặc thi tuyển mà chỉ nêu chung chung là Bộ Thông tin và Truyền thông công bố băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng. Điều này không nhận được tán thành của đại biểu.

Ông LÃ THANH TÂN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: “Tôi đề nghị, phải quy định chặt chẽ, rõ ràng chỗ này theo hướng người quyết định phải là Thủ tướng Chính phủ, không những vì giá trị mà còn vì tính chất quan trọng của băng tần, kênh tần số.”

Việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành, Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên, hơn 13 năm thi hành luật nhưng chính sách chưa được thực hiện. Theo đó, đại biểu đề nghị giải trình nguyên nhân do đâu, bất cập như thế nào; đồng thời, cần có dự báo tác động toàn diện của chính sách đến kinh tế - xã hội, lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan, nhất là các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Sỹ Cường