Quy định sử dụng ngôn ngữ khám, chữa bệnh của người nước ngoài tại Việt Nam: Người ủng hộ, người phản đối

Vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam ở Điều 24 là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với mong muốn tìm phương án tối ưu cho việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh.

Có 2 phương án, phương án 1, người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Phương án 2, giữ nguyên như quy định hiện hành. 

Ông CAO MẠNH LINH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Tôi tán thành với phương án 1, yêu cầu người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo. Quy định này bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, hạn chế xảy ra những sự cố y khoa đáng tiếc do bất đồng ngôn ngữ, vì không cứ bác sĩ nước ngoài là đương nhiên chuyên môn cao, kỹ thuật giỏi”. 

Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Tôi đồng tình với phương án 2, giữa quy định hiện hành. Các bác sĩ, chuyên gia giỏi có thể sử dụng ngoại ngữ để tập hợp, mời gọi và sử dụng các nguồn lực bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn cao, người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam”. 

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Tôi không đồng tình với phương án trong dự thảo vì các lý do sau đây: Thứ nhất, tiêu chí biết tiếng Việt thành thạo trong luật này rất khó xác định.. .. Thứ hai, theo tờ trình, hầu hết các nước phát triển và các nước trong khu vực đều quy định “nếu người hành nghề là người nước ngoài thì phải biết tiếng bản địa”…nhưng duy nhất chỉ có Lào quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Lào phải thành thạo ngôn ngữ Lào… Thứ ba, việc dùng rào cản ngôn ngữ để hạn chế các bác sĩ nước ngoài đến hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam chỉ thuận cho công tác quản lý nhưng gây khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh và thiệt thòi cho người bệnh trong nước, vì khó có cơ hội tiếp cận đội ngũ bác sĩ chất lượng ở nước ngoài”.

Trao đổi về vấn đề này phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một vấn đề không mới. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp nhất về  ngôn ngữ theo đúng thông lệ quốc tế, thông lệ trong khu vực; để người dân Việt Nam có thể tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến.