Quy định thời hạn giấy phép hành nghề, cán bộ ngành y cho rằng dễ phát sinh tiêu cực

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 3 tới. Dự án luật có nhiều điểm mới, trong đó quy định phải kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm, đang nhận được sự quan tâm của các y, bác sĩ trong ngành.

Với 15 năm kinh nghiệm trong ngành y, bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Hợp Lực cho rằng với quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm đối với tất cả các chức danh phải có giấy phép hành nghề là không cần thiết mà thay vào đó cần sửa đổi các quy định hiện hành về đào tạo liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB).

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HẢI - Phó Giám đốc, Trưởng khoa tim mạch bệnh viên đa khoa Hợp Lực: “Quy định này không phù hợp lắm với bác sĩ hành nghề bởi khi cấp lại 1 chứng chỉ hành nghề, mục đích cũng chỉ đánh giá lại trình độ năng lực của nhân viên y tế thôi thì chúng ta có rất nhiều cách khác như CMI hay chứng chỉ sau đại học, còn nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào vấn đề này sẽ gây khó khăn cho nhân viên y tế hoạt động”.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: “Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính cho nên không đẻ ra giấy phép con, mà theo tôi đây là giấy phép con, nên chỉ cần cấp lần đầu cho người ta, bác sĩ học hành 6, 7 năm rồi 2 năm học thực hành 2 năm nữa là 8, 9 năm rôì. Bây giờ không có lý do gì 5 năm cứ phải thi lại 1 lần, trình bày phương án nghe có vẻ xuôi tai nhưng theo tôi chỗ này làm không cẩn thận sẽ sinh ra tiêu cực”.

Theo một số chuyên gia, việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề để tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần tính toán, cân nhắc kĩ khi thực hiện và đặc biệt không gây gánh nặng cho tuyến y tế cơ sở khi tiến hành sát hạch cấp lại giấy phép hành nghề.

PGS.TS NGUYỄN THANH HỒI - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng: “Nhu cầu đào tại liên tục với y bác sĩ là cần thiết nhưng câu chuyện là công tác tổ chức, thiết kế chương trình cho phù hợp với thục tiễn đã làm ngay được chưa… Đặc biệt là biên giới hải đảo, bởi nếu như những vùng này không đạt được theo yêu cầu của việc cấp lại chứng chỉ thì sẽ tạo ra khoảng trống nhân sự y tế và ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.”

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 30.000 nhân sự y tế tốt nghiệp và hơn 300.000 nhân viên y tế đang có chứng chỉ hành nghề. Nếu quy định cứ 5 năm phải cấp lại giấy phép một lần, điều này tạo ra áp lực cho công tác tố chức. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại công tác này cho phù hợp với thực tiễn.

Diệu Huyền