Quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại – Thỏa thuận lịch sử tại COP27

Dù vẫn còn đó sự thất vọng khi thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị COP năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt, song, với sự đồng thuận về việc thành lập quỹ đặc biệt để chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu, COP27 đã ghi một dấu ấn lịch sử.

MỘT THỎA THUẬN LỊCH SỬ …

Ông SAMEH SHOUKRY, Chủ tịch COP27: “Tôi xin mời hội nghị thông qua quyết định có tên “Quỹ tài trợ ứng phó với tổn thất và thiệt hại liên quan đến tác động bất lợi của biến đổi khí hậu”

 Ông SAMEH SHOUKRY, Chủ tịch COP27: “Không có ý kiến nào phản đối. Tôi tuyên bố thỏa thuận được thông qua”

Các phái đoàn tham dự COP27 đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" được nhất trí thông qua sau 2 tuần đàm phán căng thẳng. Nội dung này ban đầu không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã giúp chủ đề này trở thành mối quan tâm nhất tại hội nghị. Việc Hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Hội nghị COP27 đã thực hiện một bước tiến quan trọng hướng tới công lý. Tôi hoan nghênh quyết định thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại và việc vận hành nó trong giai đoạn tới. Điều này có thể chưa đủ, nhưng đó là tín hiệu chính trị cần thiết để xây dựng lại lòng tin.”

Ông ALOK SHARMA, Chủ tịch COP26: “Đã có một sự thúc đẩy mạnh mẽ từ một số quốc gia, và thông điệp mà tôi muốn gửi tới hội nghị là chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu, hãy lắng nghe họ. Hôm nay chúng ta đã đạt được bước tiến lịch sử về quỹ tổn thất và thiệt hại.”

Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế. Một "ủy ban chuyển tiếp" sẽ đưa ra khuyến nghị, bao gồm "xác định và mở rộng các nguồn tài trợ", để các quốc gia thông qua tại COP28 vào tháng 11/2023.