Quy hoạch điện VIII: Cần dự báo được các yếu tố bất định

Đến năm 2040, nhu cầu điện cho điện khí hóa giao thông, đặc biệt là điện cho các loại xe điện có thể lên đến 50 tỷ Kwh mỗi năm. Do đó cần làm rõ dự báo nhu cầu điện đột biến này trong Quy hoạch điện VIII. Đó là một trong những ý kiến đáng chú ý trong Hội thảo Quy hoạch Điện VIII - những vấn đề đặt ra và giải pháp do Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức.

Về dự báo nhu cầu điện, có ý kiến cho rằng Quy hoạch điện VIII chưa xem xét tới các yếu tố bất định. Một trong số yếu tố đó là nhu cầu điện tăng đột biến cho điện khí hóa giao thông. Đơn cử như điện cho ô tô, xe máy điện… Loại phương tiện được dự báo sẽ thay thế xe động cơ đốt trong trong vài năm tới đây.

Các chuyên gia cho rằng một yếu tố bất định khác đối với dự báo nhu cầu điện cần tính đến là giá điện: Giá điện thấp sẽ thúc đẩy tiêu thụ điện cao và ngược lại giá cao sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ điện.

Trước nguy cơ thiếu điện tới đây có nguyên nhân do Quy hoạch điện VII triển khai chậm, chỉ được 63% dự án nguồn đi vào hoạt động, có ý kiến cho rằng thời gian 7 năm để thực hiện quy hoạch điện VIII là rất thách thức bởi đã mất 1 - 2 năm cho việc lập và thông qua kế hoạch, thực tế triển khai chỉ còn 4 - 5 năm. Do đó, cần rút kinh nghiệm ngay cho quy hoạch điện VIII lần này.

Điểm nổi bật trong thiết kế Quy hoạch Điện VIII là mang đậm chất chuyển dịch năng lượng. Theo đó, các nhà máy điện than, điện khí sẽ chuyển đổi sang biomass, amoniac, khí trộn, hydro… trước năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng điện than giảm mạnh, chỉ còn 19%. Điện khí giảm còn 9,4%. Các nguồn điện tái tạo như gió, mặt trời, hay điện ít phát thải như LNG, sinh khối sẽ tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao nhất - hơn 32%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu 6000 MW gió ngoài khơi vào năm 2030 là khá tham vọng so với thực tế. Do đó, cần có phương án dự phòng để đảm bảo quy hoạch tổng thể.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Xuân Tiến – Sỹ Cường