Quy trình tinh vi khai thác cát trái phép trên sông khu vực giáp ranh giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh

Do lợi nhuận khủng đem lại từ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông nên “cát tặc” vẫn liều lĩnh, lộng hành hút cát trộm trên các dòng sông đặc biệt, tại những điểm nóng, khu vực giáp ranh giữa TP. HCM – Long An – Tiền Giang và các tỉnh lân cận gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, làm thay đổi dòng chảy. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng này đã dùng thủ đoạn ngày một tinh vi.

Ống hút, bình lặn, máy công xuất lớn được những đối tượng này dùng hút cát trái phép trên sông. Việc bố trí, sắp xếp thời gian hoạt động và phân chia công việc cho từng thành viên cũng được thực hiện khá bài bản.

Anh ĐÀO MINH TUẤN, Bình Tân, TP.HCM: “Nghề này là nghề trái phép thì chủ họ kêu làm đêm thì mình làm đêm. Trung bình thì cứ 1 giờ sáng ra rồi đến 3-4 giờ về. Trên ghe có 2 người phụ cầm ống và canh máy khi nào đầy thì kéo lên. Tôi thì lặn ôm ống hút cát chỗ nào có thì đưa vô không thì tời ống đi chỗ khác”.

Anh LÊ HUỲNH MINH ĐẠT, TP. Thủ Đức, TPHCM: Buổi tối thì đi làm với mấy anh em ở đây, làm nghề bơm cát lậu. Mới làm được từ hôm 15 đến nay”.

Đêm tối, lợi dụng địa hình giáp ranh, vắng vẻ, các đối tượng này khi hút đầy cát dưới sông sẽ thông báo cho các tàu buôn đang nằm chờ sẵn gần đó đến để mua cát và vận chuyển về các bãi tập kết trái phép tại các tỉnh lân cận.

Đối tượng mua cát lậu:“Chỉ lại đây, kêu chút có xuồng ra lấy cát. Biết trái phép rồi nhưng tại khổ quá làm chứ cũng biết rồi. Lúc đầu không biết tưởng có giấy tờ giờ vô bị bắt luôn. Chuyến này mới chuyến thứ 2”.

Để thực hiện hành vi hút cát trái phép, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thiết kế bộ phận giảm thanh, giảm thiểu tiếng ồn trong lúc vận hành hút cát, cắt cử người canh gác; thậm chí, dùng lưới đánh cá giăng bẫy xung quanh để ngăn cản lực lượng chức năng tiếp cận.

Thiếu tá HUỲNH THANH BỀN, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường Thuỷ, Công an TP.HCM:“Tối hôm qua chẳng hạn, chúng tôi nghiên cứu địa hình rồi, mình ém quân nhưng khi đưa phương tiện vào thì mình lại bị dính những bẫy giăng sẵn như là lưới. Khi kiểm tra áp sát đối tượng thì đối tượng chống trả rất quyết liệt. Các đối tượng đạp cán bộ chiến sĩ mình văng xuống sông để cơ hội bỏ chạy nên nhiều khi cũng rất nguy hiểm”.

Theo phòng Phòng cảnh sát Giao thông đường thuỷ, Công an TP.HCM do nhu cầu san lấp, xây dựng ngày càng nhiều, trong khi các đơn vị được cấp phép khai thác ít đã đẩy giá cát lên cao. Điều này càng khiến việc khai thác cát tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Mặc dù lực lượng chức năng trấn áp quyết liệt nhưng dẹp chỗ này, lại nóng ở chỗ khác./.

Nguyễn Điền