• 1223 lượt xem
  • 21:05 29/07/2022
  • Xã hội

Quyết định 861: Cần giai đoạn chuyển tiếp trước khi cắt, giảm chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Việc ban hành Quyết định 861 là phù hợp với mục tiêu tập trung đầu tư cho các vùng lõi nghèo trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các địa phương trên cả nước đều gặp khó khi chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Có một thực tế, dù các địa phương ra khỏi xã đặc biệt khó khăn nhưng đời sống kinh tế lại không thay đổi. Thu nhập hàng tháng của bà con nơi đây vẫn chưa đảm bảo để có thể tiếp cận với việc tự mua thẻ BHYT.

Ông MAI XUÂN BÌNH - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa: “Trước đây đồng bào được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, khi ra khỏi diện đặc biệt khó khăn thì phải vận động đồng bào tự nguyện mua thẻ rất khó khăn. Trong Quyết định 861 không có điều khoản chuyển tiếp cho nên khi quyết định có hiệu lực, các chính sách dừng ngay. Tuy nhiên trên thực tế dừng ngay đối với đồng bào đang gặp khó khăn sẽ gặp khó khăn nữa.”

Ông NGUYỄN QUỐC LUẬN - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Giảm một lượng kinh phí lớn trong thời gian như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, do đây là nhóm đối tượng có điều kiện khó khăn, phần lớn không có điều kiện mua thẻ BHYT. Rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều này dẫn tới việc mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan nghiên cứu có chính sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT theo lộ trình giảm dần sau 3 năm từ sau năm 2022.”

Theo các đại biểu, khi thực hiện chính sách cần tính đến giai đoạn chuyển tiếp để tránh sự lúng túng trong triển khai và đảm bảo công bằng trong tiếp cận chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Ông Y THANH HÀ NIÊ K'ĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: "Để thực hiện chính sách cần quan tâm đến giai đoạn chuyển tiếp để thực hiện chính sách cho bà con đây là yếu tố cần được quan tâm đánh giá tác động. Việc hiện nay trong thực hiện có 1 số địa phương vận dụng không được, nếu trong tổng thể nhìn nhận mà nơi được nơi không là không công bằng. Nên cần quan tâm đến giai đoạn này."

Từ khi Quyết định 861 có hiệu lực, 18.000 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ra khỏi diện khó khăn, khoảng gần 2,4 triệu người đang được hưởng chính sách bảo hiểm y tế có thể sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế nữa. Hiện nay, Chính phủ cũng đang giao cho Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc đánh giá tác động và xây dựng chính sách bảo hiểm y tế mới từ năm 2022 trở đi cho các vùng chịu tác động của Quyết định 861. 

Phạm Cường