Quyết liệt, đột phá sau 10 năm phòng, chống tham nhũng

10 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Chúng ta đã thấy một “diện mạo mới” trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ.

Đây là câu trả lời sinh động của thực tiễn cho sự hoạt động đúng đắn, bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo thời gian qua. 

Chỉ từ chiếc xe Lexus gắn biển xanh được người dân và báo chí phát hiện trên đường phố miền tây năm 2016 đã trở thành tình tiết mở đầu cho vụ đại án liên quan đến nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Thời điểm đó, Tỉnh ủy Hậu Giang đã thừa nhận việc cấp biển xanh cho xe Lexus LX570 là sai phạm. Lúc này, báo chí cũng phản ánh tình trạng thua lỗ nặng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, ông Thanh vẫn được bổ nhiệm nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng và lên làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trúng cử ĐBQH khóa 14. Hàng loạt sai phạm về cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng như những “góc khuất” về công tác cán bộ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã được điều tra làm rõ.

Trong 10 năm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dư luận cũng đã có câu trả lời thoả đáng cho một câu hỏi nhức nhối luôn được đặt ra: Đâu là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái.

PGS.TS LÊ VĂN CƯỜNG, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia HCM: “Chúng ta thấy tự hào vì được sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên theo đúng phương châm là không ngừng, không nghỉ, không có tư duy nghiệm kỳ nữa mà đây là cuộc đấu tranh kiên trì, lâu dài, bền bỉ.”

Chỉ mới đây nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, khởi tố và bắt giam vì những sai phạm liên quan vụ Việt Á. Có thể thấy chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây đã được tiến hành bài bản, quyết liệt, có những bước đột phá về thực tiễn và lý luận.Trong phát hiện, xử lý được tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG: “Bài bản, ăn khớp, phối hợp nhau. Kiểm tra làm trước, rồi mới đến thanh tra, kiểm toán, xử lý kỷ luật Đảng trước, rồi mới đến thanh tra, hành chính, rồi mới đến hình sự. Thành bài rồi. Phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới. Đây là yếu tố quyết định của quyết định. Rút ra những bài học sâu sắc để chúng ta xây dựng tổ chức, bộ máy, xây dựng con người, xây dựng thể chế.”

10 năm qua, Quốc hội đã ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là phải kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực, để tạo những đột phá hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao: “Phòng ngừa thế nào để cán bộ công chức không cần tham nhũng khi lương đủ sống, phòng ngừa thế nào để cán bộ công chức không muốn tham nhũng khi lòng tự trọng, cán bộ công chức không thể tham nhũng vì quản lý nhà nước chũng ta chặt chẽ, không dám tham nhũng vì sẽ  bị phát hiện và xử lý.” 

Kết quả và kinh nghiệm đạt được trong 10 năm qua cho chúng ta tin tưởng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có bước những tiến mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Vũ Hiếu