Rà soát điều chỉnh chi phí giá cơ sở để giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tính đúng, tính đủ

Trước tình hình khan hiếm nguồn cung trong nước cũng như khó khăn của doanh nghiệp phân phối xăng dầu hiện nay, chiều 12/10, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin cụ thể về nguyên nhân và giải pháp điều hành của liên Bộ Công thương – Tài chính nhằm ổn định tình hình cung ứng xăng dầu; tiếp tục rà soát điều chỉnh chi phí giá cơ sở để giúp doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí.

Theo lãnh đạo Bộ công thương, nguyên nhân có sự thiếu nguồn cung xăng dầu là do biến động từng ngày của giá xăng dầu thế giới không thể dự đoán trước. Trong khi xăng dầu là mặt hàng chiến lược do nhà nước điều tiết giá, nên có những khó khăn nhất định. Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, nhưng nguồn cung phần còn lại từ nước ngoài về Việt Nam lại đang gặp khó khăn do trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Vì vậy, trong kỳ điều hành 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước, đảm bảo bù đắp chi phí cho doanh nghiệp

Bộ công thương hiện đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở.

Ông TRẦN DUY ĐÔNG, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương: “Bộ Công Thướng sẽ tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá. Sau ngày 11/7, Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương bước đầu rà soát chi phí đưa xăng dầu nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về các kho. Tuy nhiên, hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Bộ sẽ tiếp tục cùng Bộ Tài chính để rà soát, điều chỉnh để đưa mức này vào công thức để bảo đảm tính đúng, tính đủ, bảo đảo cho hoạt động hiệu quả, trên cơ sở đó mới có thể đủ chi phí và chiết khấu phù hợp.”

Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các DN bị tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép, quay lại hoạt động để đa dạng hoá nguồn cung trong nước.

Thế Anh