Sắc lệnh tổng động viên quân đội của Tổng thống Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội, bắt đầu từ ngày 21/9. Động thái này đã đánh dấu đợt huy động quân sự đầu tiên của Nga kể từ sau Thế chiến thứ 2. Với sắc lệnh “điều quân” chưa từng có này, báo chí thế giới dự báo căng thẳng sẽ gia tăng trong thời gian tới.

“Sắc lệnh tổng động viên quân sự từng phần của Tổng thống Putin có ý nghĩa gì đối với Nga và Ukraine?” là tiêu đề một bài viết đăng tải trên tờ The Washington Post. Bài viết dẫn lời chuyên gia Rob Lee thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, mô tả quyết định của ông Putin là “một trong những quyết định chính trị quan trọng nhất/rủi ro nhất” mà ông đưa ra.

Ông Lee nhận định, trước mắt, việc huy động một phần quân dự bị và các biện pháp mới để buộc gia hạn hợp đồng của các tình nguyện viên hiện đang phục vụ ở Ukraine “có thể đủ để ngăn chặn sự sụp đổ của quân đội Nga. Nếu không, vấn đề nhân lực của Nga có thể trở nên trầm trọng trong mùa đông này”. Về lý do Nga cần tới sắc lệnh này, bài viết cho hay, Moscow đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt quân đội đáng kể, bất chấp những nỗ lực tuyển mộ gần đây.

Đối với người dân Nga, tin đồn về một đợt huy động quân sự lần đầu tiên lan truyền vào tháng 2 và tháng 3, trước khi diễn ra cuộc xung đột, đã dẫn tới một cuộc di cư ồ ạt của người Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Armenia. Còn sau lệnh tổng động viên một phần, tất cả các chuyến bay thẳng từ Moscow đến một số nơi miễn thị thực vẫn dành cho người Nga đã được bán hết trong vòng vài phút.

Trong khi đó, một bài viết trên trang Bloomberg nhận định, sắc lệnh mới của ông Putin được đưa ra sau diễn biến Ukraine tái kiểm soát hơn 10% lãnh thổ. Dẫn lời Giám đốc Control Risks tại London Oksana Antonenko, nhận định lệnh huy động và các mối đe doạ hạt nhân “thể hiện một sự leo thang lớn nhưng trong ngắn hạn” của chiến dịch. Bên cạnh đó, bài viết cho hay, sự kêu gọi rộng rãi có nguy cơ làm gia tăng làn sóng phản đối của dư luận. Tuy nhiên, Quốc hội Nga đã thông qua những thay đổi pháp lý mới được đề xuất, là tăng hình phạt hình sự đối với các hành vi né tránh lệnh huy động quân sự, cũng như đào ngũ và đầu hàng.

Ngọc Anh