Sau sáp nhập xã, huyện: Lúng túng trong thực hiện chế độ, chính sách theo đơn vị hành chính mới

Hiện nay, nước ta đã giảm được 8 huyện và 561 xã; 3.866 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và cấp huyện. Hàng nghìn cán bộ-công chức có năng lực, trình độ được sử dụng trong xã và huyện mới. Đồng thời, thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nhưng những vấn đề như nông thôn nhập vào đô thị thì bà con sẽ được hưởng chính sách như thế nào?

Nhưng, sau khi sắp xếp thành xã-huyện mới, lại không đủ tiêu chí xã nghèo hay xã đặc biệt khó khăn, nên người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ nữa. Cũng chưa có hướng dẫn kịp thời với tính chất đặc thù, như xã đặc biệt khó khăn, An toàn khu, xã Anh hùng hay Nông thôn mới.  Đây chính là một vướng mắc, nhất là với các xã miền núi.

Trước đây, Thanh Phú là xã đạt chuẩn Nông thôn mới của Thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Sau khi xã Thanh Phú và xã Suối Thầu sáp nhập thành xã mới Mường Bo, một số chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo bị cắt giảm để ưu tiên nguồn lực xây dựng nông thôn mới, vì xã Suối Thầu chưa phải là xã nông thôn mới.

Bà LÙ THỊ THÒN - Thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai: Trước kia 3 năm thì năm nào cũng được mỗi tháng năm chục tiền điện, giờ thị họ cắt đi rồi không được nữa.”

Ông PHAN VĂN ĐẠI - Chủ tịch UBND xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai: “Đối với các hộ nghèo tại 2 xã sáp nhập thì tăng lên, mức hộ trợ thì giờ tập trung dàn trải ra nên gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai là mới sáp nhập vào thì tư tưởng người dân mất rất nhiều thời gian phải tập trung rất nhiều nguồn lực để tuyên truyền, vận động, trong vòng 6 tháng mới ổn định trở lại.”

Tại phiên thảo luận sáng 14.3 về báo cáo bước đầu giám sát chuyên đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc sát nhập xã đặc biệt khó khăn với xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới ghéo xã chưa đạt nông thôn mới, sẽ thành xã gì? Đồng thời, cần đánh giá lại việc sắp xếp có thoả đáng, phù hợp với điều kiện địa phương hay không

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Xã 30 a, huyện 30a là chúng ta phải xắp xếp có cơ sở hẳn hoi, nếu có trường hợp xắp xếp lại phải có đánh giá lại và sắp xếp lại chứ không đơn thuần là việc nhà nước đầu tư bao nhiêu cho xã mà xã cứ nghèo mãi
Báo cáo kết quả bước đầu giám sát có nêu đã tiết kiệm được kinh phí 2.008 tỷ đồng, nhưng tiết kiệm ở chi thường xuyên hàng năm từ dự toán ngân sách trung ương, hay địa phương? Hay "giảm chỗ này, lại tăng chỗ kia"? Có nơi nào nóng vội, duy ý chí không, nhất là tránh nhảy từ thái cực này sang thái cực khác? Từ đó, yêu cầu giám sát phải cụ thể, không kết luận chung chung."

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Dân nông thôn nhập vào đô thị thì thành đô thị, chính sách dành cho nông thôn có được hưởng không? Xã nông thôn mới nhập vào thì xã chưa đạt nông thôn mới thì thế nào? Xã nghèo nhập vào xã không nghèo thì bà con ở xã nghèo trước đây có được hưởng chính sách cho xã nghèo không? Xã dân tộc miền núi, dân tộc, khó khăn... sau sáp nhập thì hưởng chính sách thế nào?..”

Mục tiêu của Đoàn giám sát hướng đến là đánh giá sự đồng thuận của nhân dân, năng lực hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh như thế nào, điều kiện cung cấp dịch vụ công có phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng đơn vị. Tháng 4 tới đây, đoàn giám sát sẽ khảo sát thực tế tại một số địa phương theo phương thức lắng nghe và quan sát từ cơ sở, thay vì chỉ nghe báo cáo.