Sau Covid-19, người lao động đi đâu?

Sau đại dịch COVID-19, thị trường lao động vẫn chứng kiến nhiều lao động chưa có nhu cầu quay trở lại ngay. Điều này đang khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có “thâm dụng lao động” trong ngành dệt may, da giầy và ước sẽ thiếu 120.000 lao động từ nay đến cuối năm.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 chính là một phép thử cho thị trường lao động Việt Nam. Nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhìn lại hệ thống pháp luật và phương thức điều hành của đất nước. Tại phần thảo luận Diễn đàn Kinh tế - Xã hội, các đại biểu đã dành thời gian đặt câu hỏi đối với chuyên gia tổ chức quốc tế, với mong muốn lắng nghe những chia sẻ, khuyến nghị cho vấn đề phục hồi thị trường lao động.

 

Quan tâm vấn đề lao động việc làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế tại nhiều nước sau đại dịch Covid – 19: tỷ lệ người mất việc làm thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp. Tương tự như ở Việt Nam, số người thất nghiệp không nhiều nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ. 

 

Về nguyên nhân khiến người lao động chưa quay trở lại làm việc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải có cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng và xu hướng để có chính sách tới đây huy động người lao động trở lại làm việc, vì bộ phận lao động này đã từng tham gia thị trường, có kinh nghiệm, có kỹ năng, được đào tạo.