"Sau vụ FLC và Tân Hoàng Minh, thị trường vốn trong nước gần như suy sụp"

Sáng 30/09, tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp của Uỷ ban Kinh tế, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 8%, vượt mục tiêu 6 - 6,5%, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kết quả còn khiêm tốn. Nhất là giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án triển khai rất chậm, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: "Gói triển khai nghị quyết 43 vẫn còn chậm, việc ban hành chính sách chúng tôi thống kê vẫn còn 2/17 các văn bản để tổ chức thực hiện nghị quyết 43 vẫn chưa ban hành."

Ông PHẠM TIẾN DŨNG, Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Gói hỗ trợ 2%, hiện nay theo số liệu của chúng tôi mới được 14-15 tỷ thôi, mà ngân sách năm nay cho được là 16 nghìn tỷ, như vậy chúng tôi thấy rằng phải một nỗ lực rất lớn. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư để xem lại đối tượng cho phù hợp."

Mặc dù doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi nhưng vấn đề tiếp sức nguồn vốn vẫn còn khó khăn. Hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc. Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu đạt thấp, chủ yếu vẫn chỉ qua kênh tín dụng, làm gia tăng áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Ông DƯƠNG QUỐC ANH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIV: "Tăng trưởng kinh tế gần như phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Và thị trường vốn của chúng ta cũng có sự thay đổi nhưng quá nhỏ và quá dễ bị tác động. Vừa qua vụ FLC và Tân Hoàng Minh, thị trường vốn gần như là suy sụp. Cần phải làm sao thị trường vốn này phải minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế."

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng vấn đề cung ứng vốn cho nền kinh tế đang hạn chế so với nhu cầu nên thị trường đang kỳ vọng vào các kênh chứng khoán, trái phiếu… Giải pháp để các kênh này trở thành các kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế là vấn đề cần được thể hiện rõ trong báo cáo kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: "Trái phiếu doanh nghiệp, kênh thị trường chứng khoán đã đưa được vào báo cáo thế nhưng đánh giá đúng thực chất của những cái này và các giải pháp của CP đang tập trung chấn chỉnh, và cái này cần những gì phải tiếp tục cải tiến, cả về thể chế và điều hành. Đây phải thực sự là một kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế bên cạnh hệ thống tín dụng."

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Phân tích kỹ hơn nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp…

Vũ Hiếu