Sẽ trực tiếp giám sát về đổi mới chương trình sách giáo khoa tại 6 Bộ và 8 tỉnh/thành

Sáng 11/9, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/ Qh14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

 

Yêu cầu đặt ra của Chuyên đề giám sát là đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết số 88 và 51 của Quốc hội trong công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014-2022. Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.



Đối tượng giám sát bao gồm Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 địa phương bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng. Thời gian dự kiến trong tháng 2,3,4 năm 2023.



Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát cũng đã thảo luận, cho ý kiến góp ý vào nội dung giám sát, đối tượng giám sát, xây dựng kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo, phương thức hoạt động của Đoàn để đảm bảo hiệu quả cho hoạt động giám sát.



Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chuyên đề giám sát lần này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định là rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng, được được cử tri, nhân dân quan tâm. Do đó việc tổ chức triển khai hoạt động giám sát cần phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiến độ đã đề ra.



Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN:“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Quốc hội trong các khoá rất quan tâm giáo dục. Chính vì thế giám sát để phát huy những mặt ưu điểm tích cực của ngành giáp dục, chỉ ra những hạn chế để đề xuất kiến nghị đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, trong quá trình thực hiện, Đoàn giám sát phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị mỗi thành viên Đoàn giám sát phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, dứt khoát không được “đánh trống ghi tên”.

Dương Dung