Seoul cấm nhà bán hầm kiểu “Ký sinh trùng”, người nghèo “không biết đi đâu”

Mới đây, thảm họa mưa lụt lớn nhất trong 115 năm tại Seoul đã gây ra cái chết của nhiều người bị mắc kẹt trong những ngôi nhà bán hầm banjiha. Dù nguy hiểm mạng sống là thế nhưng người nghèo tại Hàn Quốc đang lo lắng khi các nhà chức trách Seoul tuyên bố sẽ loại bỏ nhà bán hầm “không ánh mặt trời”.

Nhà chức trách Seoul cho biết, quá trình loại bỏ sẽ bao gồm "thời gian gia hạn" từ 10 - 20 năm đối với các banjiha có giấy phép xây dựng và người thuê nhà sẽ được hỗ trợ chuyển vào nhà cho thuê công cộng hoặc nhận phiếu mua nhà. Sau khi bị xóa xổ, các banjiha sẽ được chuyển đổi để sử dụng cho mục đích phi dân cư.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc di dời người dân khỏi các nhà bán hầm không phải là chuyện dễ dàng. 200.000 căn hộ banjiha vẫn tồn tại ở trung tâm thành phố Seoul, chiếm khoảng 5% tổng số hộ gia đình, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc năm 2020. Năm 2021, chỉ 247 hộ sống trong banjiha ở Seoul được chuyển tới các căn hộ thuộc sở hữu nhà nước. Một người dân sống trong banjiha cho biết "cả đời tôi đã ở đây", dù biết rõ những nguy hiểm khi sống trong banjiha nhưng bà "không biết phải đi đâu".

Theo giáo sư Jun Myung Jin, khoa Quy hoạch Đô thị và Bất động sản tại Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc): “Nhà bán hầm là lựa chọn cuối cùng cho những người kém may mắn về kinh tế và không có vị thế trong xã hội với đầy rẫy hiểm nguy rình rập… Việc cấm xây dựng sẽ làm giảm số lượng nhà bán hầm và khiến số lượng chỗ ở cho người nghèo suy giảm”.

Trong nhiều năm, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ cung cấp nhà ở giá cả phải chăng hơn và giới chức đã cam kết thực hiện điều này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cam kết của chính quyền sẽ bỏ qua những vấn đề lớn hơn còn tồn tại bên ngoài những bức tường nhà banjiha, như chi phí sinh hoạt tăng vọt buộc người nghèo phải tìm chỗ trú ẩn trong những ngôi nhà không đảm bảo.

Quang Trịnh