• 3097 lượt xem
  • 20:29 21/05/2022
  • Kinh tế

Siết tín dụng bất động sản có thể kéo theo giảm phát nền kinh tế

Siết chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản (BĐS) sẽ chỉ là biện pháp tạm thời ngăn chặn bong bóng thị trường tại thời điểm này. Tuy nhiên, nếu không được nghiên cứu, tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, hàng chục ngành nghề liên quan khác, nhiều khả năng làm cho các dự án dở dang, doanh nghiệp không đáo hạn được nợ, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu đối với các ngân hàng thương mại.

 Tại nhiều ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay mua nhà, thế chấp đất đai đối với cá nhân, doanh nghiệp đang có xu hướng tăng dần khi dòng tiền vào BĐS được yêu cầu kiểm soát chặt. Hiện, các doanh nghiệp lĩnh vực BĐS mới thực sự trở lại triển khai các dự án, bắt nhịp thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền tín dụng lại siết sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó, còn khó khăn hơn.

Ông NGUYỄN QUỐC BẢO - Chủ tịch CLB Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Việc Chính phủ thắt chặt như vậy chắc chắn sẽ chững lại. Chỉ sợ những người đầu tư gần đây, là F0 sẽ bị ghim giữ hàng. BĐS thì ít khi có xuống, có thể không được giá như kỳ vọng nhưng mà khó thủng mức giá lúc mua. Trừ khi một số nơi bơm thổi, những mà cũng rất ít.”

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải cẩn trọng nếu không việc siết tín dụng sẽ tạo những hệ quả xấu khó kiểm soát, kéo dài, đặc biệt với người dân thật sự đang có nhu cầu sở hữu nhà hay đất ở. Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mức tín dụng cho lĩnh vực BĐS giảm từ 26% năm 2018 còn 12% và chỉ chiếm 19% dư nợ của nền kinh tế. Đây là con số an toàn và hoàn toàn trong vùng kiểm soát.

Số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, quy mô ngành BĐS tại Việt Nam  đến năm 2030 có thể chiếm 22% tổng tài sản của nền kinh tế. Nếu BĐS bị đình trệ sẽ kéo theo sự đình trệ của nền kinh tế, ước lượng với thay đổi giảm 10% của BĐS sẽ kéo giảm 1,247% GDP.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh: “Sự ổn định của BĐS là cực kỳ cần thiết đối với nền kinh tế. Nếu BĐS khủng hoảng sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế, vì liên quan đến 35 lĩnh vực của nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng công cụ mà Nhà nước có thể điều tiết BĐS như đòn bẩy kinh tế, trước hết phải là về thuế, tín dụng rồi mới đến công cụ hành chính của Nhà nước.”

Việc siết tín dụng BĐS đánh đồng các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp với những đơn vị năng lực kém, như vậy không có tính thanh lọc để lành mạnh hóa thị trường. Ngoài ra, nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp khó, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu.

GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ: Chúng tôi cho rằng đây là câu chuyện mà chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ để lựa lọc những tiêu cực, từ việc siết tín dụng tới khu vực cá nhân và doanh nghiệp mới có thể chữa được hoàn chỉnh căn bệnh này. Còn chỉ với ý tưởng siết tín dụng chắc không tạo ra phương thuốc tốt cho thị trường.”

Để điều tiết thị trường lúc này cần phải điều tra, đánh giá, phân loại các doanh nghiệp, dự án. Những dự án không có thanh khoản, không tạo nguồn cung thì phải siết chặt, đóng băng. Những doanh nghiệp phát triển dự án tốt, nên được hỗ trợ vốn vay, tín dụng và các khoản thuế. Ngoài ra, giải ngân vốn cho BĐS cũng cần phải được nghiên cứu một cách khoa học và hợp lý hơn

Nguyễn Sơn