Sổ tay người cao tuổi: Điều trị thông mạch cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng

Nói đến đột quỵ ai cũng biết sự nguy hiểm và hậu quả của bệnh gây ra. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Trên thế giới, ước tính mỗi năm, có hàng chục triệu ca đột quỵ và hàng triệu trường hợp tử vong.

Để có thể can thiệp kịp thời, “thời gian vàng” xử lý đột quỵ là vô cùng quan trọng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhiều người biết tới. Trong Phóng sự hôm nay, các bác sỹ Bệnh viện Tâm Anh sẽ chia sẻ những vấn đề cụ thể trong điều trị đột qụy giúp người cao tuổi tránh được những biến chứng đáng tiếc khi gặp tình trạng này.

Ở độ tuổi gần 70, bà Ấm thấy rõ sức khoẻ của mình không còn được như trước. Nỗi lo lớn nhất của bà bây giờ là đến một ngày nào đó sẽ phải đối mặt với cơn đột quỵ. Bởi bà ý thức được sự nguy hiểm của đột quỵ đối với tuổi già.

Bà NGUYỄN THỊ ẤM, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh: "Đối với người già ai cũng sợ. Kể cả những người có huyết áp, hoặc tiểu đường, hoặc những người không bị huyết áp, không bị tiểu đường nhưng vẫn có khả năng bị đột quỵ. Mà nó là bệnh có thể xảy ra bất kì lúc nào."

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào . Khi tuổi tác ngày một cao, nguy cơ mắc tai biến cũng tăng lên đáng kể. Biết là nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết cách ứng phó khi gặp phải tình trạng này, đặc biệt là trong giờ vàng.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN LIỆU, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh: "Đa số bệnh nhân bị nhỡ mất thời gian vàng, lý tưởng nhất là 3 giờ đầu tiên từ khi bị tai biến để đưa đến viện cấp cứu chữa trị. Rất nhiều người bị đột quỵ kiểu rất điển hình thì lại đi trích máu móng tay hay làm những cái không khoa học để mất thời gian. Cái tế bào não bị thiếu oxy kéo dài thì sẽ không hồi phục được."

Trên thực tế, khi bị đột quỵ, càng chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu thì hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây nên hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu, thậm chí không thể phục hồi. Theo các bác sĩ, nếu bệnh nhân được đưa tới bệnh viện trong khoảng thời gian vàng để điều trị thông mạch cấp cứu thì khả năng hồi phục có thể lên đến 80%.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN LIỆU, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh: "Trong vòng 10 năm trở lại đây, hoặc chính xác 5 năm thôi thì chúng ta có rất nhiều kĩ thuật được phát triển. Người ta có thể dùng các thuốc để khai thông mạch. Thuốc tiêu sợi huyết, tiêu cục máu đông trong lòng mạch. Thời gian dùng thuốc tiêu sợi huyết, chúng ta chỉ sử dụng được từ 3 đến 4 giờ rưỡi đầu tiên thôi, sau đấy vẫn có tai biến. Mỗi một người chúng ta phải nhận thức được, tất cả bà con cộng đồng phải biết được chuyện này để đem người nhà, người thân đến sớm nhất có thể."

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 6,5 triệu người tử vong do đột quỵ. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi phút chậm trễ trong điều trị thông mạch cấp cứu ở người bệnh đột quỵ sẽ khiến 2 triệu tế bào não bị chết. Việc chủ động tầm soát, theo dõi định kỳ và cấp cứu kịp thời khi đột quỵ xảy ra là rất quan trọng, nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong và hạn chế thấp nhất các biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh.

Như Thảo