• 1283 lượt xem
  • 20:38 20/08/2022
  • Kinh tế

Nới room tín dụng: Có cần phải chờ đến quý IV?

Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm thận trọng với lạm phát và để ngỏ vấn đề nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại hết room tín dụng làm cho các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn, gói vay hỗ trợ trong phát triển và phục hồi kinh tế.

Các doanh nghiệp gặp khó có quy mô vừa và nhỏ, ít tài sản đảm bảo nên các ngân hàng không ưu tiên. Dù Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 cho các doanh nghiệp sản xuất, thế nhưng đến nay, việc tiếp cận nguồn vốn không dễ.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: “Doanh nghiệp mong muốn là làm thế nào tiếp cận những gói hỗ trợ về tài chính của Nhà nước như gói lãi suất 2% và một số gói khác, làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được cụ thể và đặc biệt làm thế nào để đồng vốn đi đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Nhu cầu cần vốn của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm vô cùng quan trọng giai đoạn cuối năm.

Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA): “Vốn hiện nay thì Chính phủ đã có chính sách rất là tốt với những nhóm hàng, doanh nghiệp làm mặt hàng thiết yếu, với những khoản vay mới thì Chính phủ đã đưa ra những chủ trương được giảm tiếp 2% lãi suất nhưng mà hiện nay khi các doanh nghiệp cần vay nguồn vay vốn mới thì các ngân hàng hiện nay đang hết room tín dụng.”

Việc siết tín dụng bất động sản cũng khiến nguồn cung trở nên khan hiếm, đẩy mức giá bất động sản lên cao. Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát lạm phát tốt cũng là yếu tố để thúc đẩy NHNN nới room tín dụng sớm hơn thay vì chờ đến quý IV.

Ông VÕ HUỲNH TUẤN KIỆT, Giám đốc Bộ phận Phát triển Nhà ở CBRE: “Nếu như sử dụng các chính sách tài khóa cũng như các phương thức kiểm soát dòng tiền, kiểm soát tài chính như thế có thể nó sẽ tạo ra một cái hệ lụy rằng là dòng vốn vào bất động sản nó sẽ bị gián đoạn, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các chủ đầu tư có thể tiến hành phát triển sản phẩm bất động sản.”

Tính đến cuối quý II, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 9,35%, tăng gần 2/3 kế hoạch cả năm. Trong khi đó, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng chưa đến một nửa, ở mức 4,51%.

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Với vay room tín dụng sản xuất thì chúng ta vẫn còn nhưng room tín dụng bất động sản là ở nhiều doanh nghiệp là bắt đầu bị hạn chế, chúng ta gần tiếp cận đến với giới hạn. Giới hạn ở đây không phải do ngân hàng quy định mà giới hạn ở đây là ảnh hưởng đến hệ số an toàn của ngân hàng.”

Trước việc các ngân hàng đang hết room tín dụng, NHNN cũng sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp để tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM: "Trong quá trình xử lý hạn mức tín dụng thì ngân hàng trung ương sẽ linh hoạt để thực hiện hạn mức tín dụng với các tổ chức tín dụng mà có hiệu quả tín dụng cao, tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như dòng vốn đáp ứng cho doanh nghiệp hiệu quả.”

Sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn, việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và giai đoạn sau này rất quan trọng. Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. Ngân hàng Nhà nước cần nâng room tín dụng; Bộ Tài chính cũng cần ban hành các chính sách mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Phạm Quyền -