Sơn La: Hỗ trợ gạo để người dân giữ rừng

Nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ và chăm sóc rừng mang lại hiệu quả thiết thực về mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường…Đặc biệt đã thay đổi tập quán, nhận thức của người dân trong công tác trồng và giữ rừng. Ghi nhận của PV Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Cũng như hàng nghìn hộ dân khác trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Từ khi nhận được gạo hỗ trợ của chính phủ, gia đình chị Kiên ở bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh đã vơi bớt nỗi lo thiếu đói những ngày giáp hạt. 

Chị LÒ THỊ KIÊN, Bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La: “Gia đình được nhà nước quan tâm hỗ trợ gạo cho hộ nghèo để bảo vệ rừng nên rất vui, rất cảm ơn vì số gạo ấy cũng giúp nhà tôi bị đói như trước kia nữa.”

“Có thực mới vực được đạo” Có gạo thì người dân không còn lo đói, không còn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi. Những cánh rừng biên giới cùng dần hồi sinh và người dân nơi đây có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.

Ông TÒNG VĂN SOẠN, Bí thư chi bộ bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La: “So với trước kia, ngày xưa khi chưa có chính sách thì ý thức người dân cứ chặt phá rừng, bán cây, bán gỗ, bán củi, người ta đốn đi. Bây giờ thì tốt rồi. Có như thế bà con mới nhận thức được. Cây tre nó mọc lên, cây măng nó mọc lên. Cây nó phát triển được.” 

Đến nay, trên địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp đã có gần 6.000 nhân khẩu thuộc diện được hỗ trợ gạo thông qua quyết định số 1804 chính phủ. Từ chương trình hỗ trợ gạo cũng như số tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn đã khoanh nuôi khoảng 4.000 ha rừng, bảo vệ cho khoảng hơn 11.000 ha rừng. 

Ông HÀ VĂN HÙNG, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La: “Hạt kiểm lâm cũng đã phối hợp với các ban ngành của huyện cũng như các xã, bản. Rà soát từ cấp bản lên cấp xã, rồi đến Hạt. Từ đó Hạt trình lên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thẩm định và hỗ trợ”. 

Ông VŨ VĂN QUÂN, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La: “Dự kiến giai đoạn 2021-2025 huyện sẽ trồng khoảng 1.600 ha rừng. Trong đó có dự kiến hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ với khoảng 605 tấn gạo, nhằm tiếp tục tạo công ăn việc làm, đảm bảo quốc phòng an ninh và phần nào xóa đói giảm nghèo cho huyện. Ổn định định canh, định cư, tăng thu nhập cho bà con và cải thiện cuộc sống.”

Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt hơn 171.000 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ thuộc 61 huyện nghèo trên toàn quốc. Đến nay số hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ gần 746.000 lượt hộ; số khẩu được hỗ trợ gần 3 triệu lượt khẩu. Thời gian tới Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình này thông qua các nghị quyết 88; nghị quyết 120 để càng có thêm nhiều hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này.

Hoàng Hà