Sơn La: Khó khăn khi đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về trung tâm

Những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh Sơn La đã triển khai rà soát, dồn dịch các điểm trường lẻ về trung tâm. Tuy nhiên, công việc này gặp không ít những khó khăn đặc thù.

Điểm trường lẻ Củ Sát cách trường trung tâm Tiểu học Mường Khiêng 1 hơn 10km. Đây là một trong những điểm trường được gọi là kiên cố nhưng vì đã xây dựng từ lâu nên đang bị xuống cấp. Điểm trường này có 5 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 do 6 giáo viên phụ trách. Hầu hết học sinh nơi đây là người dân tộc Thái. Đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, phần lớn thời gian là lên nương rẫy nên không muốn con cái học xa nhà vì lo ngại việc đưa đón sẽ vất vả. 

Cô giáo HOÀNG THỊ THU HÀ, Trường Tiểu học Mường Khiêng 1, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ, điểm trường Củ Sát cách trường trung tâm hơn 10 km. Nếu sáp nhập về điểm trường trung tâm thì đường xá đi lại khó khăn, phụ huynh thì phải đưa con đi học xa hơn. Đặc biệt là các em học sinh lớp 1, lớp 2 còn nhỏ tuổi, nên phụ huynh chưa thực sự yên tâm khi để con đi học xa nhà.

Anh QUÀNG VĂN HÙNG - Cụm trưởng cụm bản Củ Sát, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho hay: “Phụ huynh học sinh chỉ muốn cho con em học ở đây thôi, vì điều kiện khó khăn, nếu xa quá thì gia đình không thể đi đón học sinh được.”

Điểm trường Nhốc Thông cách trường trung tâm khoảng 5km đường đất. Vào mùa mưa bão, con đường này luôn là trở ngại rất lớn đối với thầy cô, phụ huynh và các em học sinh. Cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, nếu chuyển về trường trung tâm thì việc đưa đón học sinh còn khó khăn hơn gấp bội.

Có nhiều lý do khiến việc sáp nhập các điểm trường lẻ về trung tâm tại các xã, huyện vùng cao gặp khó khăn là do đặc điểm địa hình và dân cư sống rải rác. Nhiều cụm bản cách điểm trường chính hàng chục km đường đèo núi nguy hiểm. Thêm vào đó, tại các điểm trường trung tâm, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nhà ở và bếp ăn bán trú trước số lượng học sinh đông nếu dồn từ các điểm trường lẻ về.

Ông NGUYỄN THẾ MẠNH, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Khiêng 1 xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ, với điều kiện thực tại của trường tiểu học Mường Khiêng 1, không thể sáp nhập các điểm lẻ vào điểm chính được. Lý do thứ nhất là bởi cơ sở vật chất của nhà trường còn rất yếu, chưa đủ các phòng học, phòng chức năng. Lý do thứ hai là đường xá đi lại rất xa, nhiều nơi còn đường đất. Lý do thứ ba là khi chuyển thì phụ huynh của các em nhỏ khối 1, khối 2 rất tâm tư.

Ông LÊ DANH DỰ - Phó Trường phòng Giáo dục&Đào tạo huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện trong thời gian vừa qua cũng đã triển khai và giảm được 14 điểm trường lẻ. Tuy nhiên hiện tại với 84 trường thì chúng tôi vẫn còn 144 điểm trường lẻ nữa. trong đó có 90 điểm trường lẻ của bậc mầm non và 54 điểm trường lẻ của bậc tiểu học”.

Toàn tỉnh Sơn La hiện nay có trên 2.100 điểm trường lẻ ở cấp học mầm  non và tiểu học – Trung học cơ sở. Chủ trương dồn các điểm trường lẻ về trung tâm với mục đích tập trung cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên phục vụ việc dạy và học tốt hơn; giúp học sinh ở các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc  khi về điểm chính cũng có điều kiện học tập, giao tiếp tốt hơn, hạn chế tình trạng thiếu tự tin, nhút nhát..Tuy nhiên, trên thực tế tại các địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, khi mọi điều kiện còn chưa đáp ứng thì đây vẫn là bài toán khó giải.