Sơn La: Thị trường tín chỉ carbon rừng còn xa lạ với người dân

Sơn La là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 3 toàn quốc, những năm qua, tỉnh đã tích cực thực hiện các chủ trương của Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, đại đa số người dân vùng rừng vẫn chưa thực sự sống được nhờ các nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Từ năm 2021 tỉnh Sơn La đã được Chính phủ cho chủ trương xây dựng đề án liên quan đến tín chỉ các-bon rừng, dù vậy người dân còn khá bỡ ngỡ với khái niệm này.

Ở bản Mảy có 261 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái. Năm ngoái cả bản nhận được số tiền dịch vụ môi trường rừng là 130 triệu đồng. Hầu hết người dân đều cho rằng số tiền dịch vụ môi trường rừng hiện nay còn thấp. Còn với tín chỉ các-bon rừng, khái niệm này còn rất xa lạ với người dân.

Tháng 6 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo kết luận số 176 đồng ý cho tỉnh Sơn La xây dựng thí điểm đề án xây dựng tín chỉ các- bon. Tỉnh Sơn La đã bắt tay vào việc xây dựng Đề án “Kinh doanh tín chỉ các – bon ra thị trường thế giới gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2023-2033”. Dự tính khi đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mang lại nguồn thu từ 100 đến 200 tỷ mỗi năm cho người dân vùng rừng.

Sơn La có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 817.000ha với độ che phủ 45,4%. Đây là một địa phương có tiềm năng lớn trong việc huy động các nguồn tài chính thông qua mua bán, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài tín chỉ các-bon rừng. Trong tương lai, khi việc mua bán tín chỉ các- bon rừng diễn ra thuận lợi thì đây sẽ là nguồn lợi không nhỏ đối với hàng trăm nghìn hộ dân vùng rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hoàng Hà - Sơn Nam