Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích 2,6 triệu ha đất nông nghiệp, cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc trưng của vùng, trở thành vùng phát triển kinh tế nông nghiệp quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước
Năm 2020, sản lượng lúa toàn Vùng đạt hơn 24 triệu tấn chiếm 56% tổng sản lượng của cả nước, 671 nghìn tấn tôm chiếm 83,51% sản lượng cả nước, hơn 1,4 triệu tấn cá tra chiếm 98% sản lượng cả nước và 4,3 triệu tấn trái cây chiếm 60% sản lượng cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Vùng năm 2020 đạt 8,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chính phủ xác định có 05 nguyên nhân khiến nông sản ĐBSCL chưa phát triển đúng mức và mang lại giá trị hàng hoá cao. Đó là, sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu kho trữ; tổ chức sản xuất và liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo và thiếu bền vững, chuỗi giá trị chưa phát triển hoàn chỉnh. Chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác và liên kết vùng còn chưa hiệu quả. Thiếu các trung tâm liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, do chưa hình thành Trung tâm Logistics hạng II. Tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Hàng nông sản chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp. Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số chuỗi sản xuất – cung ứng nông sản của Vùng có nguy cơ đứt gãy.
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: “Đối với xuất khẩu hàng hóa xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung riêng vể gạo trong thời gian dịch bệnh như thế nầy rất khó khăn bởi vì đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng vì dụ như vận tải logistic contaner cũng thiếu rồi tàu biển cũng thiếu cho nên các doanh nghiệp điều bị giãn cách không đóng gói hàng được xuất khẩu rất khó khăn ”
Để giải quyết khó khăn này, phải thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch – chế biến – bảo quản - vận chuyển - phân phối - xuất khẩu. Việc tập hợp các đầu mối sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản của các tỉnh trong Vùng, hình thành kết nối cung - cầu nông sản giữa nơi sản xuất với thị trường tiêu thụ trong một Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid là rất cần thiết.
Ông Đào Chí Nghĩa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cho biết: “Thành lập trung tâm sẽ tạo ra cơ chế để thu hút các dự án đầu tư cho các đơn vị tập trung cho nghiên cứu chế biến sản phẩm nông nghiệp việc thành lập nầy tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản cũng như sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt là đây là phát huy thế mạnh các tỉnh thành ĐBSCL để giúp các tỉnh thành ĐBSCL tăng nhanh trong giai đoạn mới”.
Để xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện chính sách ưu đãi về tạo thuận lợi thương mại, ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế; Chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng như là về tổ chức và cơ cấu hoạt động của Trung tâm. Theo đó, Chính phủ đề xuất Dự án đầu tư tại Trung tâm trong các ngành nghề, lĩnh vực được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sau đây:
Một là áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư.
Hai là miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo./.