Sửa đổi Luật Đất đai mở đường cho tích tụ đất nông nghiệp qua quy định về ngân hàng đất nông nghiệp

Ngân hàng đất nông nghiệp được quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hạn chế tình trạng đất đai bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi các doanh nghiệp thì lại thiếu đất để sản xuất.

Tham gia Tọa đàm lấy ý kiến các vấn đề nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đai sửa đổi do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng: Cần quy định rõ khái niệm và cơ chế hoạt động của mô hình này.

Có một thực tế: Đó là trong khi nhiều doanh nghiệp không có đất để sản xuất nông nghiệp. Thì ở nhiều nơi, tình trạng nông dân để hoang hóa đất đai vẫn diễn ra. Các doanh nghiệp mong muốn: Sửa đổi Luật Đất đai 2013 làm sao đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông.

Ông TRẦN MẠNH BÁO, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed: “Trong sản xuất nông nghiệp, quy mô là yếu tố quan trọng. Làm sao cơ chế tích tụ đất đai nó thuận lợi và khuyến khích cho phát triển nông nghiệp bền vững. Thứ hai là quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất từ người sở hữu đất với người sử dụng thuận lợi là mong muốn của các doanh nghiệp."

Để đảm bảo cho việc chuyển dịch đất đai từ nơi người có đất sang người có nhu cầu sử dụng, tránh làm lãng phí, hoang hóa đất đai, Điều 108 Dự thảo Luật bổ sung quy định về Ngân hàng đất đai. Một số ý kiến cho rằng: Nếu triển khai được điều này sẽ rất tốt cho nông dân và cả doanh nghiệp có nhu cầu về đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vì đây là khái niệm mới cần quy định rõ.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Chế định về ngân hàng đất đai sẽ vừa giải quyết vấn đề có đất để sản xuất hiệu quả hơn, tránh để hoang hóa, mặt khác giải quyêt nhu cầu tích tụ, giữ đất. Luật Đất đai sẽ mở đường cho vấn đề này nhưng cần có lộ trình để thực hiện."

PGS.TS NGUYỄN QUANG TUYẾN, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội: "Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Ủy ban nhân dân các tỉnh hay Ngân hàng nhà nước thành lập và chịu sự quản lý của cơ quan nào thống nhất, cơ chế hoạt động ra sao, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước hay huy động là những vấn đề còn đang bỏ ngỏ."

Thực tế, quy định về hệ thống và tiếp cận thông tin đất đai, công khai thông tin đất đai theo một số đại biểu còn chưa đồng bộ. Quyền giám sát của công dân đã được quy định về mặt nguyên tắc nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong quá trình quản lý sử dụng đất đai. Do đó, một số đại biểu cũng đề nghị các quy định về quyền giám sát của công dân và cơ chế để đảm bảo sự giám sát của công dân cần được lồng ghép xuyên suốt và cụ thể hơn trong dự thảo luật sửa đổi lần này.

Anh Tuấn