Sửa một số điều Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Huy động nguồn lực xã hội hoá

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi một số điều của 8 luật, trong đó có Luật Đối tác công tư. Đây được coi là cú hích khơi thông dòng vốn xã hội hoá cho đầu tư phát triển, trong đó có phát triển hạ tầng.

Thời gian qua, đã có 5/8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã phải chuyển đổi hình thức do không lựa chọn được nhà đầu tư nên tiến độ dự án bị chậm gần 2 năm. Hiện còn 3 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư PPP nhưng nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng.

Để tránh lặp lại kịch bản khó thu hút nguồn vốn từ PPP của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2016-2021 vừa qua, Bộ GTVT đề xuất đầu tư toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách

Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ đối tác công – tư, Bộ Giao thông Vận tải: “Với đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn thành công dự án, phấn đấu đảm bảo tiến độ đề ra như Quốc hội yêu cầu…..

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đề nghị sửa đổi, bổ sung điều 12, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Đầu tư PPP là bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ , trong khi các nhà đầu tư hiện nay tính toán rất kỹ là phải bao nhiêu năm mới thu hồi vốn, chưa kể việc thu hồi vốn còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro…”


Ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Luật mới có hiệu lực 1 năm, nhưng chưa được áp dụng vì từ khi luật ra đời thì chưa có được công trình nào…”

Việc sửa đổi, bổ sung điều 12 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng được Chính phủ nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. 

Với việc sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng như 7 luật khác được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.