Sửa Nghị định 57 hay xây dựng luật để gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Sáng ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu vào chiều 7/6. Liên quan tới vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo xem xét nghiên cứu sửa Nghị định 57 để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh nên doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Mặt khác, còn nhiều điểm nghẽn khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, như khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các chính sách ưu đãi còn nhiều thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp ngán ngại. Đây là những nguyên nhân cơ bản góp phần cho ngành sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế.

Ông HUỲNH THANH PHƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Xin Bộ trưởng cho biết trong phạm vi và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ đề ra những giải pháp như thế nào để tháo gỡ những rào cản nêu trên, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp nước ta phát triển và hội nhập bền vững. Câu hỏi này tôi cũng xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.”

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch đầu tư xem xét nghiên cứu sửa Nghị định 57 để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Một trong những lĩnh vực chúng ta kỳ vọng nó sẽ thay đổi nền nông nghiệp nước nhà, vai trò doanh nghiệp trong việc dẫn dắt thị trường, vai trò của doanh nghiệp để cung cấp thông tin thị trường, chuẩn mực thị trường thông qua doanh nghiệp, những người hàng ngày hàng giờ đối mặt với sự biến động của thị trường. Chính sách tôi cho rằng tương đối đầy đủ nhưng mà một vấn đề là cái nguồn lực để mà hỗ trợ qua Nhà nước nó còn điều kiện nhất định. Thứ hai là cách tiếp cận của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phản ánh với tôi là còn những khó khăn, nhiêu khê.”

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành. Về chính sách để thu hút hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay các chính sách của chúng ta ban hành nhiều nhưng đúng là nó chưa sát với tình hình thực tế. Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đi thẳng vào vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Bao giờ thì sửa Nghị định 57. Có thể xây dựng một cái luật liên quan đến thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hay không, hay là chỉ nghị định.”

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Vấn đề xây dựng luật cơ quan quản lý chưa tính đến nhưng mà đang sửa ngay Nghị định 57 theo hướng mở mộng đối tượng hỗ trợ cũng như các chính sách phải có nguồn lực để thực hiện. Các chính sách trong Nghị định tương đối đầy đủ nhưng chúng ta không có nguồn lực bố trí đi kèm. Cái này có trách nhiệm, khuyết điểm của Bộ kế hoạch đầu tư chúng tôi trong quá trình tham mưu. Thời gian tới thì chúng tôi đang hoàn thiện, khả năng sẽ sớm trình Thủ tướng trong tháng 7, để thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.”

Thay mặt Chính phủ, phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng thừa nhận, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu của sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới sẽ có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.