Tái hiện nghi thức đón Tết Đoan Ngọ phong cách cung đình trong không gian Hoàng Thành Thăng Long

Đoan Ngọ (hay còn gọi là Đoan Dương) là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đón Tết Đoan Ngọ theo cách truyền thống đã quá quen thuộc với mỗi người chúng ta, tuy nhiên, Đón Tết Đoan Ngọ theo nghi thức cung đình thì có lẽ không phải ai cũng biết.

Theo nghiên cứu của Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Hà Nội, trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình thường long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan vào dịp Tết Đoan Ngọ, để thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và đồng thời mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó, nghi lễ đặc biệt được chú trọng chính là lễ ban quạt. Trong thời tiết nóng bức của ngày Tết Đoan Ngọ, nghi thức ban quạt là sự thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà vua giành cho các quan. Ân điển ban quạt của nhà vua còn ý nghĩa sâu sắc là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.

Nhà sử học LÊ VĂN LAN: “Đoan có nghĩa là chính, Ngọ là buổi trưa, Đoan Ngọ có nghĩa là lúc nóng bức nhất, mùa hạ theo nghĩa Hán. Tuy nhiên đấy chỉ là vỏ ngôn ngữ thôi còn tên Việt Nam của dịp này là Tết giết sâu bọ, rất thú vị.”

Liên quan đến tục giết sâu bọ trong Dịp Tết Đoan Ngọ thì  ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch được xác định là lúc thời tiết giao mùa, các côn trùng sâu bọ phát triển. Theo quan niệm xưa, việc ăn trái cây đầu mùa và đặc biệt là các loại cây chua, chát như mận, vải, dứa, để diệt các “sâu bọ” có trong người. Việc ăn trái cây không chỉ giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể mà còn thể hiện mong muốn hoa thơm trái ngọt và cuộc sống sung túc của ông bà xưa. 

Nghệ nhân ẩm thực NGUYỄN ÁNH TUYẾT: “Tết Đoan Ngọ để cầu mong mưa thuận gió hoà, một mùa màng thuận lợi. Muốn thế phải giết côn trùng, sâu bọ. Ngày xưa đã có tục lệ như vậy".

Ông NGUYỄN THANH QUANG - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội: ”Bên cạnh việc tái tạo lại văn hoá phi vật thể nhưng quan trọng hơn là để thế hệ trẻ hiểu được văn hoá của cha ông để lại".

Trong không gian linh thiêng của nơi hoàng cung xưa, cùng chứng kiến những nghi thức cung đình mới mẻ, cùng tìm hiểu về những tập tục truyền thống của dân tộc, có lẽ đây sẽ là những kỉ niệm khó quên đối với những du khách có dịp ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long vào những ngày này, đặc biệt là các em học sinh. Đây không chỉ là một sản phẩm du lịch ấn tượng, mà còn là cách để giáo dục các thế hệ tương lai về những giá trị lịch sử, truyền thống ngàn đời nay của dân tộc.
 

Anh Thư - Ninh Tùng