Tài sản do người thân của tội phạm tham nhũng đứng tên là khoảng trống khó kiểm soát

Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các đại án, khi vẫn còn 40 - 50% số tiền lên tới hàng trăm, nghìn tỉ đồng chưa thể thu hồi. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới."

Ông PHẠM NAM TIẾN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Hiện 40 - 50% số tài sản tham nhũng trong các vụ án diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo chưa được thu hồi. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Xin Tổng thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn?”

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh việc thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ “khó khăn, vướng mắc, phức tạp” nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo Tổng thanh tra Chính phủ, 9 tháng năm 2022, thanh tra đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, thu hồi được hơn 1.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021. Tuy nhiên Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận tỷ lệ này vẫn còn thấp.

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng thanh tra Chính phủ: “Kết quả đó mặc dù cao cao song tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Một số giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.Thứ nhất là, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là Chỉ thị 04 của Ban Bí thư; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm và phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý sau thanh tra thi hành án; kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thu hồi, tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.”

Một số đại biểu cho rằng nhiều đối tượng chịu thanh tra sau khi có kết luận thanh tra cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian, không thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, có trường hợp tẩu tán tài sản vi phạm, dẫn đến không thu hồi được tài sản.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "So sánh với cùng kỳ năm trước thì tỷ lệ thu hồi sau thanh tra của năm nay tăng 17,9%. Tuy nhiên, kết quả thu hồi chỉ đạt được 60,3%. Qua đó cho thấy kết quả xử lý sau thanh tra vẫn còn những bất cập, hạn chế, thời gian dài. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng nêu trên."

Ông NGUYỄN TÂM HÙNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Khi có kết luận thanh tra có trường hợp tẩu tán tài sản vi phạm, dẫn đến không thu hồi được tài sản. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân, giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết có hiệu quả vấn đề trên.”

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng thanh tra Chính phủ: “Một là, đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thanh tra, nhất là hoàn thiện Luật Thanh tra tới đây, đặc biệt là có quy định chế tài xử lý hành chính vi phạm. Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý sau thanh tra và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt xử lý sau thanh tra. Ba là, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc thực hiện kiến nghị thanh tra. Bốn là, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng như người dân trong việc thực hiện kiến nghị thanh tra. Năm là, tăng cường lực lượng làm công tác sau thanh tra và quan tâm đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ này."

Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hồi. Đồng thời tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án. Trong quá trình điều tra và thanh tra, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì có thể có biện pháp ngăn chặn ngay, không để đến lúc điều tra, truy tố, xét xử thì mới thi hành án thì các đối tượng này thường tẩu tán, làm thất thoát tài sản.