• 1169 lượt xem
  • 05:01 12/02/2022
  • Văn hóa

Tạm biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đi về miền “Xa khơi” thương nhớ

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một nhạc sĩ gạo cội, tài năng với những dấu ấn khó quên trong âm nhạc Việt Nam. Các ca khúc của ông có sức lan toả lớn. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh từ những sáng tác của ông. Sáng 11/02, ông đã tạm biệt cuộc đời ở tuổi 87, để lại những thương mến và tiếc nuối cho đồng nghiệp, nghệ sĩ và đặc biệt khán giả yêu nhạc Việt Nam.

Sinh ra tại một làng quê bên bờ sông Lam Nghệ An, trong một gia đình nho giáo, hiểu biết văn chương, lớn lên trong tiếng hát ví, giặm của mẹ, niềm say mê âm nhạc của cha, sáng tạo âm nhạc như hơi thở, như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, một khắt khe trao đặt của định mệnh...tất cả đã tạo nên một Nguyễn Tài Tuệ với lối đi riêng biệt mà dài rộng, vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa dân giã, vừa uyên bác. 

Có người nói rằng âm nhạc trữ tình là thế mạnh, là sự say mê của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, cũng không sai khi nghe Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó- một dấu ấn âm nhạc đặc biệt trong những ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông.

Nếu “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” là trữ tình, là vóc dáng mới lộng lẫy, rạng rỡ của then Tày thì “Xa khơi” lại tạo nên  sự  sang trọng và uyên bác  trong âm nhạc của ông từ những  điệu thức ví, giặm. Sáng tác từ năm 1961 khi Nguyễn Tài Tuệ 25 tuổi, hơn nửa thập kỷ trôi qua vậy nhưng chưa bao giờ Xa khơi thôi hấp dẫn trong lòng người yêu nhạc, vượt qua những lãng quên thông thường mà khắc nghiệt của thời gian, vượt qua những đổi thay của thị hiếu  âm nhạc, “Xa khơi” sững sững ghi dấu mình trong nền âm nhạc Việt Nam. Biết bao ca sĩ đã yêu mến Xa khơi, biết ơn Xa khơi cũng như biết ơn ông khi đã cho họ được ngân rung trong sự dài rộng và tha thiết của miền thương nhớ cách vời. Để rồi giờ đây, khi ông đi xa, sự biết ơn ấy còn mang thêm nhiều tiếc nuối.

Ca sĩ ĐINH THÀNH LÊ: “Tôi rất hụt hẫng, có gì đó rất nghẹn ngào. Vẫn biết Bác đã lớn tuổi nhưng những hình ảnh, sự dung dị gần gũi của nhạc sĩ đã luôn luôn in đậm vào tôi. Tôi biết ơn nhạc sĩ không chỉ vì là người hát ca khúc của ông mà ông đã giúp tôi năm 2007, khi tôi hát ca khúc dự thi sao mai chung kết ca khúc Vỗ bến Lam chiều. Trong bài hát ấy nhạc sĩ bảo tôi là con phải có gì đó mới lạ, khác đi và bác đã viết  cho tôi mấy nốt vocal. Tôi có rất nhiều điều muốn nói về Xa khơi, tôi là 1 thế hệ đi sau nhưng với bản thân tôi, từ khi tôi biết hát tôi đã thích bài này vì âm vực, lời ca, tất cả mọi thứ trong ca khúc này. Chính ca khúc này tôi thể hiện trong cuộc thi Sao Mai, tôi nhớ là đêm chung kết khu vực miền trung, tôi đã hát và mọi người đánh giá về sự thành công.”

Cùng với Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Xa khơi, Hợp xướng Xuân về trên bản, hai ca khúc Suối Mường hum chảy mãi và Mùa xuân gọi bạn cũng góp phần tạo nên dấu ấn tài năng và sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Bên cạnh đó, các tác phẩm nhạc không lời phát triển từ âm nhạc dân gian cũng đã bồi đắp thêm một tầm vóc Nguyễn Tài Tuệ. “Bản giao hưởng Hy vọng” với giai điệu tiết tấu sinh động và mới lạ, cho người nghe một hình dung đầy lãng mạn và giàu cảm xúc về đời sống của người dân Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình, hơn 20 tác phẩm thanh nhạc và khoảng 15 tác phẩm khí nhạc là tài sản không của riêng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ  mà còn là vốn liếng của âm nhạc Việt nam. 

Hành trình gian khó với nhiều biến động của thời cuộc mà Nguyễn Tài Tuệ đã trải qua  càng làm ông trân quý từng giây phút được học, được sáng tác và được trao truyền âm nhạc trong cuộc đời . Với từng sáng tác của mình, ông nâng niu và luôn “ khó tính, khắt khe” trong sự truyền dạy với các nghệ sĩ- một sự khó tính cần có trong nghệ thuật nhưng đằng sau đấy là một tấm lòng, một trái tim dung dị và tình cảm ông dành cho mọi người. Để rồi giờ đây,  khi ông đã đi xa, thì ký ức về ông trong họ là những điều gần gũi nhất.

Ca sĩ MINH ĐỨC: “Tôi may mắn được gặp ông, mỗi lần đến nhà ông bước vào ông đã mời tôi cái bánh, hoa quả, chén nước. Ông bảo tôi ăn xong rồi hãy tập và luôn bảo tôi đừng áp lực gì cả.”

Tôi chỉ theo đuổi một nghiệp sáng tác âm nhạc, âm nhạc là thứ khiến tôi mất nhiều thời gian nhất, khốn khổ nhất nhưng cũng là niềm say mê lớn nhất của cuộc đời tôi” nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã từng nói như vậy và đó cũng là sự lý giải cho những thành công của ông. Cuộc đời là những chuyến đi, âm nhạc đã đồng hành cùng ông trong chuyến đi của cuộc đời mình, suốt bao năm qua rồi sẽ còn nhiều năm sau nữa, âm nhạc của ông vẫn thế- vẫn sẽ đồng hành trong lòng người yêu nhạc Việt Nam…như một nỗi nhớ và những ám ảnh của điệu thức ví, giặm mà ông đã một đời nặng lòng tha thiết.

Nhật Thảo