Tâm huyết gieo rừng của cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông

Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng thì cán bộ của các khu bảo tồn thiên nhiên còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng không kém là nghiên cứu khoa học để bảo tồn nguồn gen động, thực vật qúy hiếm.

Điều đáng mừng là trong những năm qua, một số khu bảo tồn thiên nhiên đã đạt được thành công trong công tác gây giống, nhờ vậy mà những mong ước về việc bảo tồn nguồn gen, gìn giữ đang dạng sinh học càng trở nên thiết thực hơn. Câu chuyện đang diễn ra tại khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông tỉnh Hoà Bình có thể coi là một ví dụ điển hình.

Vườn giống này mới được các cán bộ của khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngô Luông đưa vào hoạt động vài tháng nay. Tuy chỉ là khoảng đất tạm, thế nhưng từng chậu cây giống ở đây đều là tâm huyết của các cán bộ thuộc khu bảo tồn.

Theo như chia sẻ của các cán bộ thuộc khu bảo tồn, trước đây nhiệm vụ chính của các anh là làm sao để giữ rừng trước nạn chặt phá bừa bãi. Giờ nạn chặt phá đã giảm nhiều, các anh mới có thời gian để tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, để làm sao từ một đoạn cành, rễ sẽ mọc, chồi sẽ lên và một cá thể cây mới được hình thành. Dù kỹ thuật nhân giống cây từ hom không hề xa lạ, nhưng để nhân được giống từ các loại cây gỗ quí có tuổi đời cả trăm năm đến nghìn năm như nghiến, mun, trai, chò và đặc biệt là những loài thực vật có tên trong sách đỏ lại không hề dễ dàng.

Dù đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng vườn giống của các cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông cũng đã thu được thành quả. Những cây giống này rồi sẽ được đem trở lại vào rừng, gieo trên những hốc núi đá vôi chập chùng và gieo cả những hi vọng cho sự hồi sinh những cánh rừng nguyên sinh giữa đại ngàn.

Anh Thư