Tăng cường đầu tư cho giáo dục mầm non

Ngày 22/9 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý để hoàn thiện đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi” và “Hỗ trợ phát triển Giáo dục mầm non vùng khó khăn”, với sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế, bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo 63 tỉnh, thành phố.

Mục tiêu cụ thể của đề án là tăng cơ hội tiếp cận Giáo dục mầm non (GDMN) của trẻ em. Đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% trẻ em tại các cơ sở GDMN được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp một. Tuy vậy, còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Ông LÊ HOÀNG DỰ, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau: “Giáo viên mầm non đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa hiện nay đang thiếu bên cạnh đó khó khăn cơ bản nhất là phòng học cho các trẻ mầm non khi huy động ba đến bốn tuổi đến lớp và phụ cấp năm tuổi thiếu phòng học hiện nay toàn tỉnh thiếu trên 130 lớp.”

Bà NGUYỄN THỊ THƠM, Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai: “Với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập năm tuổi và thí điểm bốn tuổi thì Lào Cai đang phấn phải đạt hai giáo viên trên một lớp. Nguồn tuyển hợp đồng cho những vùng có điều kiện xã hội hóa là rất khó khăn bởi vì mức lương trả thấp đầu năm học vẫn đang nhiều trường ở những vùng thuận lợi mà không có giáo viên biên chế hợp đồng khó khăn vì lương thấp.”

Trong bối cảnh kế thừa kết quả GDMN giai đoạn trước, việc ban hành và thực hiện 2 đề án nhằm củng cố vững chắc chất lượng GDMN, từng bước nâng cao và giảm thiểu khoảng cách giữa các vùng, đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Bà NGÔ THỊ MINH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Trong đề án chúng tôi đang tập trung chuyên sâu một số chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, cũng đưa ra những đề xuất giải pháp. Trong đó sẽ có nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề kết nối nguồn lực để hỗ trợ cho các vùng khó khăn đồng thời cũng có nội dung giúp cho tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho các em của các vùng đồng bào thiểu số.”

Bộ GD&ĐT khẳng định, tiếp tục đầu tư phát triển GDMN, là gốc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thực hiện cam kết của Chính phủ về mục tiêu thiên niên kỉ, đồng thời cũng là mục tiêu nhân văn được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.

Phan Hằng