Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Hiện thực hóa các cam kết tại COP26

Ngày 24/02, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu. Tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi về những định hướng hợp tác trong thời gian tới để ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ quá trình hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC, HIỆN THỰC HÓA CAM KẾT TẠI COP26

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, chuyến thăm của Đặc phái viên John Kerry là minh chứng sống động cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ và thực chất, là cơ hội tốt để hai bên trao đổi về quan hệ hợp tác song phương, cơ hội hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, mong muốn xây dựng quan hệ tin cậy, ổn định, lâu dài, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. 

Về phần mình, Đặc phái viên John Kerry nhận định, đây là thời điểm quan trọng đối với cả Hoa Kỳ và Việt Nam, để không chỉ nâng tầm đối tác chiến lược, mà còn tăng cường hợp tác trên phạm vi khu vực và toàn cầu, nhằm giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra. Nhận định Việt Nam là “thiên đường của năng lượng tái tạo”, với nguồn tài nguyên to lớn để phát triển năng lượng xanh, ông John Kerry nhấn mạnh điều quan trọng là Việt Nam cần phải có định hướng, kế hoạch và các chính sách phù hợp để khai thác hết tiềm năng này. Theo ông John Kerry, Việt Nam cần quan tâm xây dựng hệ thống truyền tải, đấu nối từ nhà máy điện lên hệ thống truyền tải điện quốc gia để tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Trong quá trình đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng, phê duyệt những chính sách lớn của VN, trong đó có Quy hoạch điện VIII, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết tại COP26.

Ông John Kerry cũng cho biết, chính phủ Hoa Kỳ có quan hệ với các tổ chức, thiết chế tài chính lớn, sẵn sàng hỗ trợ tín dụng hàng nghìn tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. 

Đánh giá cao những ý kiến của Đặc phái viên John Kerry về các giải pháp, hành động cụ thể cần triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chính vì vậy, Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh. Mong muốn Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, hạ tầng, đào tạo nhân lực và kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng để Việt Nam có thể thực hiện đầy đủ những cam kết tại COP26.

VIỆT NAM CÓ TIỀM NĂNG TRỞ THÀNH QUỐC GIA DẪN ĐẦU VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho Việt Nam để giải quyết các vấn đề đang hiện hữu liên quan đến biến đối khí hậu, hy vọng với tiềm lực dồi dào, Việt Nam sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và trở thành điển hình tiêu biểu cho thế giới. Đây là khẳng định của Đặc phái viên John Kerry trong cuộc phỏng vấn với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, ngay sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Ông JOHN KERRY - Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu: Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam đưa ra cam kết tại Glasgow là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng mọi quốc gia cần phải tiến nhanh hơn nữa. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, cường độ ngày càng gia tăng của các cơn bão bão, lũ lụt, cháy rừng. Không quốc gia nào có thể giải quyết những vấn đề này một mình, mà tất cả chúng ta phải hợp tác cùng nhau. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ dần chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo. Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề đang hiện hữu, thông qua hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho Việt Nam. Trong 8 năm tới, chúng ta cần phải làm nhiều nhất có thể để giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều rất quyết tâm và tôi thực sự ấn tượng với những gì mà Việt Nam đã triển khai. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng những lời hứa, cam kết được các quốc gia đưa ra tại Hội nghị COP26 sẽ được hiện thực hóa ngay trong năm nay. 

Trong quá trình này, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, vì Quốc hội là cơ quan quyết định chính sách pháp luật và có khả năng tạo ra nguồn động lực to lớn. Quốc hội đóng vai trò quyết định trong việc cắt giảm thuế, phân bổ ngân sách, định hướng cách chúng ta hành xử như thế nào. Chính vì vậy, Quốc hội là một thành tố quan trọng, đồng hành với chính phủ, các bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường và các thành phần khác trong xã hội. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điển hình tiêu biểu cho thế giới. Các bạn có tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, khí thiên nhiên và cả thủy điện. Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn và chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo."

Kim Ngọc