Tăng giờ làm thêm trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo sức khỏe và được trả công xứng đáng

Trong bối cảnh hơn 2 năm gần đây, doanh nghiệp và nền kinh tế đã chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải tạm dừng, bị đứt gãy do giãn cách, thiếu hụt lao động trầm trọng. Cũng chính vì thế, đề xuất của Chính phủ về nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ 40 giờ lên không quá 72 giờ và tối đa 300 giờ/năm.

Các đơn hàng đã được ký từ đầu năm 2021, nhưng ảnh hưởng của dịch covid 19 đã khiến hoạt động của doanh nghiệp dệt may này bị gián đoạn. Tính bình quân cả công ty từ sau Tết nguyên đán 2022 đến nay, số lao động bị F0 chiếm khoảng 40%, vì vậy số lao động thực tế của doanh nghiệp rất thấp. May mặc là ngành đặc thù, sản xuất phụ thuộc thời vụ và thời gian giao hàng; Mặc dù Bộ luật lao động đã quy định giờ làm thêm của ngành này cao hơn các ngành khác tối đa đến 40 giờ/tháng và 300 giờ/năm; Nhưng hơn lúc nào hết, doanh nghiệp mong mỏi được nới giới hạn giờ làm thêm, tạo điều kiện cho giai đoạn tăng gia sản xuất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác. 
Ông BẠCH THĂNG LONG
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10
“Chúng tôi mong muốn dc linh hoạt chính sách trong giờ làm thêm chúng ta ko đc bó 40/tháng, mà nên nới rộng ít nhất k vượt quá 60 giờ/tháng, để các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện các hợp đồng đã ký kết, đặc biệt trong tháng mùa vụ cao điểm, tổng mức làm thêm trong năm chúng tôi đang được hưởng là 300 giờ thì nâng lên 400 giờ/năm”

Còn tại nhà máy sản xuất gạch men này, với việc ứng dụng công nghệ máy móc đa phần tự động hóa, nên các lao động không phải mất nhiều công sức trong quá trình sản xuất, việc làm thêm cũng không phải vấn đề quá khó đối với họ. Trước tác động của dịch bệnh, thu nhập bị giảm sút hầu hết người lao động tại đây đều bày tỏ mong muốn được tăng giờ làm thêm.
Anh NGUYỄN VĂN HƯỞNG
Lao động Công ty Gạch men Catalan
“Làm thêm giờ thì có thêm thu nhập nên NLĐ chúng em rất mong muốn, có thể áp theo quy chế của công ty, khi lấy lương thấy thu nhập tăng lên thì đó là điều chúng em mong đợi”
Anh BÙI ĐỨC TOÀN
Ban điều hành Công ty Gạch men Catalan
“Qua tìm hiểu trao đổi chia sẻ thì tâm tư nguyện vọng của anh em công nhân mong muốn làm thêm giờ. Trong thời làm việc đa phần vận hành bấm máy, kiểm soát sản phẩm nên về sức khỏe đối với cán bộ công nhân viên mỗi ngày 1,2 giờ thì rất đảm bảo”.

Qua khảo sát từ công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp cho thấy, người lao động bày tỏ sẵn sàng làm thêm trên tinh thần tự nguyện căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe và được trả công xứng đáng. Về phía người sử dụng lao động cũng cam kết sẽ đáp ứng các yêu cầu trên cơ sở thỏa thuận, đồng thời sẽ chăm lo tốt các yếu tố phúc lợi cũng như đảm bảo sức khỏe và điều kiện lao động lâu dài cho người lao động. 
Anh PHẠM VĂN CHUNG
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GoerTek VINA
“Lấy ý kiến phản hồi của công nhân thì đại bộ phận công nhân muốn được tăng ca nhiều hơn nữa, họ tự tin mình đủ sức khỏe để tăng ca, chính sách công ty đáp ứng dinh dưỡng bữa ăn Rất tốt, phần lớn công nhân ở vùng cao xuống muốn tăng ca nhiều hơn vì họ ở trọ đây”.
Bà BÙI THỊ HẠNH HIẾU
Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh
“Chúng tôi đã chuẩn bị kịch bản chọn những con người phù hợp, như tiêu chí sức khỏe, tiêu chí kỹ thuật, độ nghề hạng bậc lành nghề, cho họ một điều kiện về ăn ở nghĩ dưỡng chế độ, tránh đi làm xa, bố trí cơ gần, điều kiện cho taxi đi đi lại thì những cơ chế phù hợp sẽ kích thích người lao động họ có giá trị thúc đẩy cùng doanh nghiệp”.

Việc tăng giờ làm thêm trong bối cảnh dịch bệnh khiến lao động phải nghỉ giãn cách, doanh nghiệp dừng hoạt động là có cơ sở. Quyết sách này nếu được ban hành sẽ được xem là một trong những giải pháp “cứu cánh” cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về nguồn nhân lực như hiện nay. Tuy nhiên theo các chuyên gia lao động, việc tăng giờ làm thêm này chỉ nên là giải pháp cấp bách, tạm thời và áp dụng trong thời gian ngắn để tránh các tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả về trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động.
 

Tùng Dương