• 1022 lượt xem
  • 02:33 04/04/2022
  • Kinh tế

Tăng giờ làm thêm trước áp lực bão giá thị trường

Mới đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết 17 tăng thêm giờ làm thêm trong một tháng, một năm của người lao động. Đây là một quyết định phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi kinh tế, người lao động cần tăng thêm thu nhập trong khi bão giá tăng. Vậy, tăng giờ làm thêm như thế nào là phù hợp để vừa đảm bảo đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp, vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động?

Đây là một trong những bài toán cần được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và điều tiết cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Vợ chồng anh Thực, chị Trang hiện nay đang làm công nhân tại một doanh nghiệp dệt may tại thành phố Hòa Bình. Hàng tháng, mức lương cơ bản là 3 triệu 8, thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 10 triệu. Mỗi tháng trừ tiền thuê nhà, sinh hoạt và tiền học cho con thì cũng chỉ tạm đủ. Để nâng cao chất lượng cuộc sống và vật giá leo thang nên tăng ca là yêu cầu bắt buộc với họ.

Anh LƯƠNG VĂN THỰC - Người lao động: Gần 2 triệu tiền nhà điện nước, sinh hoạt hai vợ chồng nuôi con nhỏ nên cuộc sống tạm đủ, không dư ra phần nào. Rất mong thời gian tới, được các ngành quan tâm, được làm thêm thì công nhân chúng tôi rất mong vì thu nhập hiện tại thì rất thấp, làm thêm giờ thì được thêm một khoản để nâng cao mức sống một chút.

Không tăng ca thì phải thắt lưng, buộc bụng... Còn tăng ca họ phải đánh đổi bằng sức khỏe và thời gian. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng khó khăn, thu nhập không tăng, giá cả leo thang nên chọn làm thêm giờ đều là nguyện vọng và nhu cầu của người lao động.

Chị NGUYỄN THỊ XUYÊN  - Người lao động: "Cháu lớn thì đang học cấp ba còn cháu bé mới hai tuổi. Tất cả thu nhập thì chưa đủ chi tiêu. Giá cả thị trường giờ cái gì cũng lên. Chưa đủ…".

Để đáp ứng phục hồi kinh tế, thiếu hụt lao động trong thời điểm dịch Covid - 19, việc tăng giờ làm thêm đã góp phần giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán về đơn hàng. Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với việc bỏ sức lao động nhiều hơn. Vì vậy, cần có sự tính toán để làm sao vừa nâng được chất và lượng trong việc tăng giờ làm thêm cho người lao động.

Bà NGUYỄN THỊ ANH - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ban Dai Việt Nam: "Chúng tôi đại diện cho người lao động chúng tôi sẽ kết hợp với doanh nghiệp đẻ phân bố giờ làm thêm cho hợp lý như chúng tôi chưa quá 2,3h 1 ngày, phân bổ mỗi 1 ngày từ 1-2 giờ người lao động, vừa đảm bảo thu nhập làm thêm vừa đảm bảo sản xuất cho người lao động và sức khỏe người lao động".

Ông ĐỚI XUÂN CHINH - Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hòa Bình: "Tôi nghĩ việc tăng giờ lên đồng nghĩa với việc hệ lụy người lao động làm việc quá nhiều, kéo dài áp dụng chế độ này quá dài sẽ không bền vững, không đảm bảo đời sống lâu dài, sức khỏe người lao động. Vấn đề doanh nghiệp phục hồi phát triển đến đâu thì chúng ta tăng mới phù hợp, đương nhiên quan tâm đời sống người lao động nếu không lương tối thiểu để 2 năm rồi nguy hiểm đến thu nhập người lao động".

Tăng ca đồng nghĩa với đánh đổi sức khỏe nhưng cách tính lương vẫn như cũ sẽ thiệt thòi cho người lao động. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp cũng cần phải xem xét tính tiền tăng ca phù hợp trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay./.

Như Huỳnh