• 1267 lượt xem
  • 21:17 10/03/2022
  • Kinh tế

Đề xuất tăng giờ làm thêm lên đến 300 giờ/năm: Chuyên gia và người lao động nói gì?

Theo chương trình Phiên họp thứ 9, chiều ngày 10/03, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết. Tuy nhiên việc tăng giờ làm thêm như thế nào cho phù hợp và đảm bảo được quyền lợi các bên trong quan hệ lao động là vấn đề được người lao động và người sử dụng lao động rất quan tâm.

Năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì lượng lao động dưới 50%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản phải giảm số người lao động dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất cho các hợp đồng đã ký kết. Vì thế, sau khi dịch covid 19 giảm nhiệt, một số công ty cũng tổ chức cho doanh nghiệp làm thêm vào cuối tuần trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện. 

Anh PHAN VĂN DOANH - Trường phòng Cơ sở kỹ thuật Công ty Crew 24: “Sau một thời gian dài chúng ta sống chung với dịch bệnh, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu nhà nước tạo điều kiện cho người lao động được làm thêm giờ, chúng tôi được có thêm thu nhập. Cuộc sống được đảm bảo hơn sẽ hoàn thành tốt công việc được giao” 

Anh NGUYỄN VĂN ĐẮC - nhân viên công ty điện Stanley Việt Nam: “Tăng giờ làm với doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn, còn đối với người lao động như bọn em được làm thêm sẽ giúp cuộc sống bớt khó khăn hơn. "

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về một chính sách khác với Bộ luật Lao động hiện hành. Đó là tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đề xuất này sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong việc bố trí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bà LÝ KIM CHI - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm Tp Hồ Chí Minh: “ Chúng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay với tờ trình của Chính Phủ thì đây là điều hợp lý. Đơn hàng tăng, nhưng ko có đủ công nhân thì không để đáp ứng được. Khi dịch toàn cầu hàng hóa các nước chúng ta xuất đi rất thiếu, kể cả không phải là lương thực thực phẩm, mà giày da, may mặc, đồ gỗ cũng vậy. nếu khống chế không cho tằng giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”

Tuy nhiên, có ý kiến nhận định, việc mở rộng cho tất cả lao động ở các ngành nghề cũng cần được thận trọng tính toán để để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động. Riêng đối với các lĩnh vực lao động có tính chất độc hại, nguy hiểm, dễ xảy ra rủi ro thì cần tính toán hợp lý trên cơ sở của quy định của Bộ Luật lao động

Anh NGUYỄN HUY HOÀNG - Nhân viên : “Việc tăng giờ làm thêm mình thấy có mặt thì hợp lý nhưng cũng có mặt không hợp lý. Với những ngành lao động nhẹ thì mình thấy hợp lý, nhưng với những ngành lao động nặng mà tăng giờ làm thêm sẽ gây áp lực cho người lao động và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.”

Theo các chuyên gia, chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế, áp dụng trong thời gian ngắn; Đồng thời Chính phủ cũng cần xem xét cơ sở khoa học đối với đề xuất nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ.

Ông VŨ MINH TIẾN - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:“ Bình thường là  khoảng 26 ngày / tháng nhiều công nhân mong muốn làm thêm trong một tháng 52h-60h là cùng”

Ông NGUYỄN ĐÌNH QUẢNG - Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: “Hiện nay quy định với doanh nghiệp bình thường là 200h / năm, chỉ với doanh nghiệp làm trong ngành hàng hóa xuất khẩu mới làm thêm lên đến 300h / năm. Như vậy chúng ta thấy việc chốt chặt này để đảm bảo khi huy động làm thêm giờ không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.”

Dịch bệnh khiến cho năng suất lao động sụt giảm – đây cũng là lý do mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất tăng giờ làm thêm để hỗ trợ DN phục hồi. Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm phải bảo đảm yếu tố thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động cũng như bảo đảm môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động như tăng tiền lương, hỗ trợ ăn ca dinh dưỡng và những chính sách đi kèm.

Theo Điều 107 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, do đó việc điều chỉnh quy định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều hậu quả tác động nặng nề đối với nền kinh tế và đời sống người dân; căn cứ vào điểm 3.3, 3.4 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này theo trình tự, thủ tục rút gọn là có cơ sở và phù hợp./.

 

Ninh Tùng