Tăng học phí theo lộ trình, lạm phát tăng từ 0,5 - 1%

Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính đã thống nhất, trình Chính phủ giải pháp hoãn không tăng giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81 cho năm học mới 2022-2023. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tình trạng lạm phát tăng cao, việc tăng học phí sẽ tạo áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Nếu thực hiện đúng như Nghị định 81, tại một số thành phố lớn học phí có thể tăng gấp đôi thậm chí 5 lần như đối với cấp trung học cơ sở tại TP.HCM. Trong khi đó quyền số của chi phí giáo dục trong rổ hàng hóa hiện đã tăng từ 5.99% lên 6,17% vào năm 2020, và chiếm trọng số cao thứ 5 trong rổ hàng hóa. Việc tăng học phí cao như vậy sẽ tạo một sức ép lớn đối với chi tiêu của người dân, nhất là những người dân thu nhập thấp hiện đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng giá hàng hóa tăng cao. 

TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN:  “Như một số tính toán, chi phí giáo dục đặc biệt là học phí, nếu tăng theo lộ trình đã được định sẵn thì nó có thể góp phần tăng lạm phát từ 0,5 đến 1%. Đây là một mức gia tăng đáng kể. Như tính toán của chúng tôi, nó bằng phân nửa mức gia tăng của giá xăng dầu.” 

Theo Luật Giáo dục năm 2019 mức chi ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% nhưng trên thực tế mức chi cho giáo dục chưa bao giờ đạt tới con số này và như vậy việc tăng chi cho giáo dục trong giai đoạn này hoàn toàn không ảnh hưởng tới chủ trương về chi ngân sách và cũng phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Như Hiền