Giảm thuế khuyến khích ô tô điện chạy pin: Giảm 800 tỷ đồng ngân sách/năm

Đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí xe ô tô điện chạy pin là sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường, là cơ hội cho việc phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, có nhiều tiềm năng để trở thành động lực tăng trưởng và tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới, Chính phủ cần có ưu đãi.

Nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, với quy định từ năm thứ 6 trở đi sẽ điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước) thì còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng: “Đến năm thứ 6 thì tăng tương ứng từ 3% lên 11%, 2% lên 7%, 1% lên 4%, 2% lên 7%. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề như khi tờ trình đã không làm rõ về cơ sở tăng, và khi quy định như vậy sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khi không có chính sách thực sự ưu đãi, cần tăng thời gian lên thành 7 – 10 năm, đồng thời phải tính từ thời điểm mà sản phẩm ra đời thì mới phù hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư”.

Nhấn mạnh, chủ trương giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô điện sẽ có tác động để các doanh nghiệp và người dân tăng việc sử dụng phương tiện này; một số đại biểu cho rằng cần xem xét mối tương quan hợp lý giữa xe chạy pin so với xe dùng khí hydro và năng lượng mặt trời, để có chính sách ưu tiên đủ lớn, tương xứng với từng loại. Bên cạnh đó cần giải thích rõ sự khác nhau giữa xe chạy pin và xe chạy điện để dễ dàng áp dụng khi được thông qua.

Ông Đỗ Đức Hiển - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Giữa xe điện 4 bánh có gắn động cơ và xe điện chạy bằng pin thì khác nhau như thế nào. Hiện nay xe 4 bánh có gắn động cơ thì hoàn toàn chạy bằng pin như xe chạy khu du lich, các địa bàn TP thực hiện tua du lịch, nhưng chưa được liệt vào ô tô thì loại này mức thuế như thế nào.  Vừa qua cũng có vướng mắc giữa các quy định bộ Tài chính bộ Giao thông có vướng mắc chưa thống nhất, giờ có quy định này thì cũng cần làm rõ nội dung này”.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của việc điều chỉnh thuế đến ngân sách Nhà nước. Bởi theo Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện trong 5 năm sẽ tác động tới ngân sách khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời giải trình rõ thêm về đánh giá tác động đến môi trường đối với số pin đã hết thời hạn sử dụng và không còn có thể tái chế. 

Ông Phạm Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,42 tỷ xe ô tô, trong đó chỉ có hơn 9 triệu xe điện - một tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, theo dự đoán, đến năm 2030, trên thế giới sẽ có khoảng 145 triệu xe điện, thải ra khoảng 12 triệu tấn pin, điều này sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường. Dự án luật này đã dành ưu đãi về thuế đối với dòng xe này nhưng liệu có nên tính toán đến “đầu ra” của loại xe này hay không? Tác động ngược lại với môi trường về xử lý pin sau khi thải ra - một vấn đề sẽ phải đối mặt trong tương lai - cần được đánh giá, tính toán kỹ hơn”.

Nhiều ý kiến cũng tán thành với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ áp dụng cho thời hạn khoảng 2-3 năm. Bởi dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sản xuất trong nước cơ bản đã hoàn thiện được hệ thống hạ tầng và sản xuất trong nước khoảng 9.500 xe và việc giảm thuế sâu, kéo dài trong nhiều năm sẽ tác động tiêu cực ngay đến các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đối với xe chạy bằng xăng dầu khi không có đủ thời gian, công nghệ và nguồn lực để chuyển đổi kịp thời sang dòng xe điện chạy pin./.