Tạo động lực giúp các trường tự chủ thực chất

Thời gian qua, tự chủ đại học đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước với nhiều kết quả tích cực; làm thay đổi và phát triển nhanh chóng các trường đại học nhưng vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ. Đó là một trong những vấn đề được ĐBQH nêu ý kiến tại phiên thảo luận sáng 1/6.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng bày tỏ quan tâm đến vai trò của đại học đối với phát triển bền vững, thịnh vượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có tự chủ đại học; hợp tác giữa nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục đại học; triển khai sâu rộng quản trị đại học tiên tiến; phát triển sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản trị đại học… Đại biểu Thắng nêu rõ, có hai công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình, đó là kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của trường đại học.

Ông VƯƠNG QUỐC THẮNG, ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Thời gian tới, chúng ta cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị và điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường để tránh sự chồng chéo và tạo ra xung đột không đáng có, đồng thời quy định rõ trách nhiệm giải trình. Tự chủ đại học là một vấn đề liên ngành, liên bộ. Vì vậy, để tạo ra sự đột phá trong tự chủ đại học, Chính phủ nên cân nhắc lập một Ủy ban hoặc một Hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học để giải quyết triệt để các vướng mắc và tạo ra động lực giúp các trường đại học tự chủ thực chất.”

Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt. Vấn đề học phí và kinh phí đào tạo trong thời kỳ kinh tế nói chung đang rất ổn, từ nhiều khía cạnh và được rất nhiều bậc phụ huynh, nhân dân quan tâm.

Bà ĐINH THỊ NGỌC DUNG, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tại sao lại tăng kinh phí, học phí đào tạo, các khoản phí khác, hay siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra? Bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì trẻ em dưới 18 tuổi cần có môi trường thức và học tập để phát triển. Lâu nay, chúng ta thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc và sàng lọc. Tôi đề nghị nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.”

Liên quan đến vấn đề giáo dục, có đại biểu cho rằng điều quan trọng trong triển khai chương trình GDPT chính là quyết liệt đổi mới phương pháp dạy và học.

Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH, ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: “Ngành giáo dục đào tạo đã có nhiều nỗ lực quyết tâm trong đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử, đã có nhiều mô hình và cách giảng Lịch sử rất hay và sinh động tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử sao cho hấp dẫn học sinh, chú trọng hơn việc dạy học sinh kĩ năng tìm hiểu, phân tích các thông tin về Lịch sử thay cho phương pháp học vẫn còn khá nặng hiện nay".

Giáo dục, cùng với y tế là 2 lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, đại biểu mong muốn mỗi gia đình và toàn xã hội cùng chung tay có trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.