Tạo hành lang pháp lý để xây dựng lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở

Sáng ngày 11/02, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở-lý luận và thực tiễn”. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, cần thiết xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, để tạo hành lang pháp lý góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, được thành lập ở xã phường, thị trấn. Trong đó, Công an xã bán chuyên trách được thành lập từ năm 1945; Bảo vệ dân phố được thành lập từ 1955; Dân phòng được thành lập từ những năm 1960. Đây là lực lượng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân; là “cánh tay nối dài” hỗ trợ cho lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở. 

Đại tá TS.PHẠM DUY HOÀNG - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân: Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng này lại được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành nên không đồng bộ, chồng lấn, khó thực hiện. Hiện vẫn còn “khoảng trống pháp lý” đối với hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.”

Thực tiễn phòng ngừa, giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh nông thôn, lực lượng này chính là kênh thông tin rất quan trọng để Công an chính quy nắm tình hình, nhanh chóng xử lý những mâu thuẫn, ngăn ngừa bùng phát làm đe dọa đến an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thiếu tướng PGS.TS BẠCH THÀNH ĐỊNH - Nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội: “Vị trí của họ rất quan trọng vì họ sống sát dân, gần dân. Bản thân họ chính là người thực hiện pháp luật và cũng là người tuyên truyền pháp luật cho nên trong Luật Công an nhân dân  và các Chỉ thị của Đảng, Nhà nước đều xác định, bên cạnh lực lượng công an chính quy là nòng cốt cho phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc thì đây cũng là những hạt nhân quan trọng của phong trào bảo vệ  an ninh Tổ quốc.”

Các ý kiến cũng cho rằng cần thiết tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng lực lượng này đủ mạnh, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thiếu tướng PGS.TS ĐẶNG SỸ LỘC - Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng: “Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các loại tội phạm công nghệ cao, nhất là vừa rồi đại dịch Covid-19, các thách thức an ninh phi truyền thống đang đặt ra một cách cấp thiết phải bảo vệ tốt an ninh, trật tự ở cơ sở, phải phát huy vai trò của các lực lượng, trong đó lực lượng chuyên trách không nói nhưng lực lượng tham gia là ba lực lượng chính chúng ta đã bàn, nên chúng tôi thấy rằng, dự án Luật mà Bộ Công an đã trình và đặc biệt đang hoàn thiện, đó là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cở sở đang hoàn chỉnh trình Quốc hội tôi cho rằng rất cấp thiết.”

Thiếu tướng TRÁNG A TỦA - Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an: "Đây chính là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền an ninh nhân dân. Hơn nữa thực tiễn đòi hỏi thì thực tiễn lực lượng này hết sức cần thiết, có vai trò to lớn, là những người có thể trực tiếp nắm tình hình ở cơ sở và phản ánh kịp thời cho lực lượng cho nên chúng tôi đánh giá rằng việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay."

Những luận cứ khoa học về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở xét cả về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn sẽ làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới.

Khắc Phục