Tạp chí người Việt |Số 4|: Cần giải pháp căn cơ cho những người không quốc tịch di cư từ Campuchia

Ngày 17/3, tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, 100% thành viên có mặt đã tán thành việc bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Trong đó, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc mở rộng thêm đối tượng áp dụng là: Người gốc Việt Nam, là người không quốc tịch đang sinh sống tại VN.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định: Người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp số định danh của người gốc Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Theo Cơ quan soạn thảo - Bộ Công an, sửa đổi này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Hiện nay ở Việt Nam có hơn 30.000 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch. Trong đó, hơn 700 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch.

Việc cấp Giấy chứng nhận căn cước sẽ giúp người gốc Việt Nam có thể thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Còn đối với cơ quan nhà nước, chính sách này sẽ giúp quản lý được những người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự.

Liên quan đến một nhóm đối tượng khác là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, trong Chương trình Tạp chí Người Việt số trước, chúng tôi đã đề cập đến những người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Họ hiện không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc của mình Mong muốn của họ là có một loại giấy tờ tùy thân để người lớn có thể đi làm, trẻ em có thể đi học, ổn định cuộc sống tại Việt Nam.

Vừa qua, Đoàn Giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có các buổi khảo sát tại 5 tỉnh biên giới Tây Nam giáp biên với Campuchia, bao gồm Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc hiện tại liên quan đến người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam. Cần giải pháp căn cơ, và có thể khác biệt với hệ thống pháp luật hiện hành, để giải quyết vấn đề chưa từng có tiền lệ này là điều được nhiều thành viên trong đoàn giám sát đồng tình kiến nghị.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!