Tấp nập đơn hàng xuất khẩu đầu năm

Năm 2021 ghi nhận xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD. Với nền tảng này, những tháng đầu năm 2022, các ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam đã gấp rút trở lại cuộc đua. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, hứa hẹn một năm mới đầy khởi sắc và bứt phá.

Nếu như mọi năm, sau Tết là thời gian thấp điểm của ngành dệt may vì ít đơn hàng xuất khẩu. Thế nhưng năm nay, lượng đơn hàng đã tăng trung bình 15%, thậm chí nhiều đơn hàng yêu cầu ngay trong tháng 2 này, khiến doanh nghiệp phải ráo riết làm việc.

Ông THÂN ĐỨC VIỆT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10:Khách hàng đã đặt hàng đến hết quý 1 và khoảng trên 70% năng lực sản xuất của chúng tôi đã có khách hàng đặt hàng đến hết quý II/2022. Chúng tôi kỳ vọng với gói hỗ trợ Quốc hội ban hành tại kỳ họp bất thường vừa qua thì năm 2022 là năm hồi phục, bứt tốc của công ty, phấn đấu doanh thu tăng trưởng 15%, lợi nhuận tăng 30%.

Những ngày đầu tiên quay trở lại bàn máy khâu, các công nhân đã hối hả để kịp chỉ tiêu đề ra. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I, thậm chí đến quý II/2022. Hiện nay tất cả người lao động của doanh nghiệp này đều làm việc hết công suất, thậm chí làm thêm giờ để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết. 

Tấp nập đơn hàng, rộn ràng nhà máy là quang cảnh các công nhân may của doanh nghiệp này đang tập trung cao độ để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên trong năm 2022. Từng công đoạn mọi ng đều đang rất tất bật cho kịp tiến độ để xuất khẩu hàng chục tấn hàng sang thị trường... Các doanh nghiệp nhanh chóng cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng ngay sau khi bắt nhịp với trạng thái bình thường mới, dự báo một năm đầy thuận lợi”.

Đơn hàng không phải là yếu tố đáng lo lúc này. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội dệt may cũng không khỏi lo lắng trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản. Ở kịch bản dịch bệnh còn kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt mức thấp nhất 40 tỷ USD.

Ông TRƯƠNG VĂN CẨM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng nhưng biến chủng Omicron còn phức tạp tại nhiều nước. Ngành dệt may nếu đà này thì có thể dạt 39 đến 40 tỷ USD trong năm 2022”.

Vừa khởi động lại sau Tết, không chỉ dệt may mà các ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam như nông lâm thuỷ sản, da giày…cũng bắt tay ngay đón những đơn hàng xuất khẩu lớn đầu năm. Tuy nhiên, ngoài dịch COVID-19, thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tình trạng giá cước vận tải ở mức quá cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong năm nay, nếu điểm nghẽn này được tháo gỡ thì hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ còn bứt phá hơn 2021. 

Ông TƯỞNG HỮU HIỂN, Giám đốc Công ty TNHH Trúc Mai: “Chi phí vận tải quá cao, chiếm 50%...Là gánh nặng lớn cho xuất khẩu 2022”.

Kể từ ngày 01/01/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức đi vào thực thi, cùng với hệ thống 14 các FTA khác đã được ký kết. Đây được kỳ vọng là con đường cao tốc, đưa hoạt động thương mại của Việt Nam đến với nhiều thị trường lớn. Cùng với đó, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, góp phần hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu trên 356 tỷ USD.

Thùy Trang