Cứu nạn Tây Nam Bộ trước biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn

Chương trình Tây Nam bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Tp.HCM đồng chủ trì đã thực hiện 62 nhiệm vụ ở cả lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững cũng như lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường...

Gần 7 năm triển khai, chương trình Tây Nam bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Tp.HCM đồng chủ trì đã thực hiện 62 nhiệm vụ ở cả lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững cũng như lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường. Có tại 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các dự chương trình, dự án đã góp phần tác động trực tiếp đến tư duy, việc triển khai chính sách của từng địa phương. Nhất là trong bối cảnh vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh, Uỷ viên Ban chủ nhiệm, Thư ký khoa học Chương trình Tây Nam Bộ cho biết, đến nay, nội dung chương trình và dự kiến sản phẩm do Bộ KHCN phê duyệt theo quyết định 734 đã hoàn thành đầy đủ, kể cả lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, đào tạo nhân lực…

Không thể phủ nhận những giá trị mà chương trình đã mang lại cho sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều đề án, chương trình nghiên cứu không còn phù hợp với thực tế; một số công trình nghiên cứu chưa phát huy hết hiệu quả khi ứng dụng vào thực tiễn. 

Ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn ViệtÚc chia sẻ: nhà đầu tư tới, cơ sở hạ tầng có, nhưng không có nhân lực, không thể chở nhân lực nơi khác tới được, đây là thách thức rất lớn cho đồng bằng.

Là khu vực có vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng để phát trển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp,, thế nhưng, Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Tương lai, cần có những giải pháp căn cơ, mang tính đặc trưng vùng để các địa phương thích ứng, phát huy thế mạnh hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững. 

Ông Phanh Thanh Bình, Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có chương trình này, mà còn nhiều chương trình nữa, và tất cả những chương trình này hợp thành kết quả chung. 

“Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025” đã được Đại học Quốc gia Tp.HCM kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai. Trong đó, tập trung nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long./.