Tập trung khơi thông nguồn lực về vốn, về nhân lực để phát triển văn hoá

Trong 3 nội dung lớn của Hội thảo Văn hoá 2022 về thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hoá thì vế thứ 3 là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập khi nhắc đến những khó khăn, bất cập diễn ra trong thực tế.

Không phải chính sách nào về văn hoá của chúng ta cũng có lỗ hổng, thậm chí có những chính sách đã được hoàn thiện đầy đủ, tuy nhiên do thiếu nguồn lực triển khai mà chúng ta không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Đây cũng là nội dung chủ đạo được các đại biểu trao đổi thẳng thắn trong phiên thảo luận bàn tròn buổi chiều tại Hội nghị Văn hoá 2022. 

9.466 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương từ nguồn đầu tư trung hạn giai đoạn này cho phát triển văn hóa, gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ đã có Tờ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng để đầu tư một số công trình văn hóa, chưa kể hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn đầu tư của Mặt trận tổ quốc cho phát triển văn hoá. Những con số nghe qua có thể là lớn, nhưng để đạt được mục tiêu phát triển văn hoá như định hướng của Đảng thì chưa thể coi là đủ.

Trong các tham luận tại Hội thảo, nguồn lực để phát triển văn hoá được xác định bao gồm cả nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động nguồn lực xã hội hoá đang là xu thế, bởi chỉ khi huy động được nguồn lực xã hội hoá thì chúng ta mới có thể giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cũng như thúc đẩy được hiệu quả đầu tư.

Không chỉ khó khăn về nguồn lực tài chính, nền văn hóa của nước ta còn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn lực con người. Thiếu người để quản lý văn hoá, thiếu người sáng tạo văn hoá, thiếu nhận thức, thiếu ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá…chính là những nguyên nhân khiến văn hoá Việt Nam đối mặt với hiện trạng “sứt mẻ”.

Với thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ, các đại biểu cũng khó có thể đề cập hết những bất cập, thách thức về nguồn nhân lực trong phát triển văn hóa. Tuy nhiên, những ý kiến được đưa ra trong phiên thảo luận bàn tròn đều là những vấn đề nóng đang diễn ra trong thực tế, và có thể thông qua những ý kiến xác đáng được đưa ra, chúng ta sẽ tìm được những giải pháp để khắc phục những bất cập, phát sinh phù hợp với diễn tiễn của thực tế. Và quan trọng hơn là khơi thông được nguồn lực đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo của chiến lược phát triển văn hoá.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!