Tết của người Công giáo ở Đồng Nai

Giáo phận Xuân Lộc là giáo phận Công giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là giáo phận đông giáo dân nhất Việt Nam, với khoảng 1 triệu người, chiếm 1/3 dân số tỉnh Đồng Nai. Tết năm nay, ngoài việc thảo hiếu, người Công giáo nơi đây còn dành sự quan tâm cho những hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngoài dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ, chuẩn bị hoa, mua sắm, gia đình chị Lê Thị Thùy Trang còn có cách đón năm mới rất riêng, đó là chuẩn bị tâm hồn trong sáng, dọn mình xưng tội. Đây cũng là dịp để đại gia đình chị sum họp nhiều hơn.

Chị LÊ THỊ THÙY TRANG - Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai: “Đi lễ về là đi chúc Tết ông bà nội ngoại, đi viếng mộ, đi đủ hết. Chiều mùng 1, 2, 3 là ở nhà để tiếp bà con tới thăm, đi chúc nhau. Với người Công giáo Tết cổ truyền là thích nhất, không bao giờ quên, dù đi đâu cũng thích Tết cổ truyền nhất”.

Linh mục GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN TRƯỜNG SƠN - Chánh xứ Tam Thái, tỉnh Đồng Nai: “Tối 30, lễ giao thừa, chúng tôi tạ ơn Chúa cùng các gia đình trong giáo xứ. Sáng mùng 1 lễ cầu bình an cho năm mới, trong đó chúng tôi có hái lộc lời Chúa để bà con giáo dân sống lời Chúa trong năm. Mùng 2 chúng tôi kính nhớ ông bà tổ tiên, ai đã mất thì con cái vây quanh bên phần mộ để dâng lễ. Mùng 3 thánh hóa công ăn việc làm”.

Những giáo dân như ông Trần Minh Quang dành nhiều thời gian giúp đỡ người nghèo, bất kể tôn giáo nào. Đây cũng là lời kêu gọi của các giáo xứ để cùng nâng đỡ những gia đình khó khăn, ly tán do COVID-19. 

Ông TRẦN MINH QUANG - Huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai: “Người Công giáo mong muốn thờ kính Chúa và yêu mến tha nhân, qua điều thứ 2, chúng tôi muốn chia sẻ với người khó khăn tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ, nhất là trong lúc khó khăn này”.

Linh mục GIUSE NGUYỄN Ý ĐỊNH - Chánh xứ Xuân Long, tỉnh Đồng Nai: “Trên quê hương đất nước chúng ta cũng như toàn thế giới đang có đại dịch. Còn nhiều mảnh đời, gia đình đau thương bởi là nạn nhân của đại dịch. Chúng ta không thể quá vui khi bên cạnh là những nỗi buồn. Chúng ta phải cùng vui với người vui, cùng khóc với người khóc”.

Người Công giáo không chọn ngày xông nhà trong năm mới và không xem ngày nào là ngày xấu. Với họ, mọi ngày đều tốt nếu ăn ở hiền lành, phúc đức. Người công giáo tin rằng, làm việc bác ái đầu năm mới sẽ để lại nhiều may mắn cho con cháu, phúc phần và gột rửa tâm hồn trong sạch cho bản thân.

Khánh Hà