"Thạch địa non sông": Chuyện kể từ những nắm đất

Mỗi người đều có cách riêng thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước. Với ông Đoàn Ngọc Thành, sau 40 năm gắn bó bục giảng, ông đã hoàn thành được tâm nguyện lớn của bản thân, đến những vùng đất có bề dày lịch sử của các anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc. Sau nhiều năm rong ruổi đến nhiều vùng đất, ông đã hoàn thành hai bộ sưu tập và trang trọng đặt một cái tên chung là “Thạch địa non sông”.

Mỗi hòn đá, mỗi mẫu san hô hay đơn giản chỉ là một nắm đất …đều có riêng một câu chuyện gắn với một vùng đất lịch sử, gắn với một danh nhân văn hoá thế giới. Tất cả đều được ông Thành đem về và lưu giữ như một dấu ấn hành trình cho những chuyến đi của ông suốt hơn 5 năm qua.

Ông Đoàn Ngọc Thành, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: “Sau khi nghỉ hưu bắt đầu vác ba lô đi chơi khắp đất nước, chuyến đầu tiên xuống mũi cà mau, về mới nghĩ tại sao mình không sưu tập bộ mẫu vật đất đá thôi, đặt tên là tổ quốc trong tim, được lấy những vùng đất văn hóa, có ý nghĩa lịch sử, 5 năm như vậy chú đi từ Hà Giang đến Cà Mau, cực đông, cực tây, cực nam, cực bắc, bờ biển nơi khởi đầu và kết thúc.”

Theo thời gian, hai bộ sưu tập “Tổ quốc trong tim” và “Tưởng nhớ các anh hùng” của ông Thành ngày càng nhiều mẫu vật hơn. Từng câu chuyện được ông kể lại từ những chuyến đi đã lan toả đến những người xung quanh. Và chính họ, trong những hành trình của mình, đã mang về cho ông những mẫu vật đặc biệt cùng câu chuyện lịch sử gắn liền.

Ông Trương Trường Phương, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: “Bản thân tui càng ngày yêu nước càng sâu rộng hơn, thứ 2 qua đó giáo dục con của tui, thế hệ sau này nó tiếp bước trong vấn đề gìn giữ những giá trị đẹp của dân tộc.”

Ông Phan Văn Phước, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: “Cái này nó sẽ góp phần để lưu giữ lại và truyền cho thế hệ trẻ lòng yêu nước và thấy được quê hương mình nó đẹp và có những dấu ấn lịch sử, tiếp tục để mà gìn giữ.”

Ông Đoàn Ngọc Thành, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: “Ngay hồi mấy đứa cháu nội tôi lớp 3, lớp 4, nó nghe tôi nói chuyện với bạn bè, anh em, nó đã lắng nghe rồi. Khi mà những đứa bạn hàng xóm nó vào nó dẫn chỉ đây nè, ông nội tôi lấy hòn đá này chỗ này nè, ý nghĩa này nè, mình mừng lắm. Thế là cái điều mình mong ước đã thực hiện được đã truyền lửa cho nó, cho nó 1 cái mầm yêu nước.”

Những “mẫu vật” chứa đựng “hồn thiêng” của tổ quốc, với ông Thành, đó là tài sản vô giá, là một cách để ông thể hiện tình yêu, niềm tự hào với quê hương, đất nước. Và bộ sưu tập “Thạch địa non sông” đã góp phần khẳng định cho bề dày vô tận của văn hoá, lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

Bảo Lâm